Giáo viên phản biện sau khi Giám đốc Sở Nội vụ nói: "Hà Nội quá đông nên khó xét thăng hạng"
Giám đốc Sở Nội vụ nói rằng xét tuyển sẽ mất rất nhiều thời gian để chấm và tốn kém. Chúng tôi xin được hỏi nếu tổ chức chấm thi thì thời gian, công sức của ngần ấy giáo viên sẽ là bao nhiêu và kinh phí của thành phố để tổ chức thi là bao nhiêu?", giáo viên ở Hà Nội nêu ý kiến
Hà Nội quá đông không thể xét thăng hạng giáo viên
Liên quan đến "tâm thư" của hơn 2.500 giáo viên Hà Nội nêu nguyện vọng mong muốn được thành phố xem xét bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, mới đây ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: "Bộ Nội vụ đang xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành sửa đổi Nghị định theo hướng xét thăng hạng, bỏ thi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản sửa đổi".
Lớp học tại Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga
Ông Cảnh nhấn mạnh, thẩm quyền tổ chức xét hay thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh. Đối với Hà Nội, UBND thành phố đã phân cấp cho Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Do diễn biến của dịch Covid-19 nên 3 năm qua, Hà Nội không tổ chức thi hay xét tuyển thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Năm 2023, dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12/2023.
"Qua đăng ký sơ bộ, đến ngày 28/7, đã có 30/30 quận, huyện, thị xã và 3 sở đăng ký gửi báo cáo về cơ cấu danh sách viên chức giáo viên đủ điều kiện tiêu chuẩn thăng hạng với khoảng 30.000 hồ sơ. Với số lượng hồ sơ đăng ký nhiều như vậy, việc chấm hồ sơ phải huy động rất đông đội ngũ giám khảo có năng lực chuyên môn và thời gian kéo dài khoảng 2 tháng, tốn kém kinh phí và khả năng khó thực hiện. Do đó, không thể nói là tổ chức thi tốn kém hơn xét thăng hạng.
Số lượng giáo viên đăng ký xét thăng hạng ở các tỉnh, thành phố rất ít, còn ở Hà Nội thì quá đông. Thực tế cho thấy, áp lực học tập, thi cử để được chuyển cấp, lên lớp đối với học sinh là rất lớn. Việc nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên cũng cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng với đánh giá chất lượng học sinh. Đối với những giáo viên có tuổi băn khoăn về việc thi ngoại ngữ, tin học thì trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã quy định miễn thi môn ngoại ngữ, tin học đối với một số trường hợp", ông Cảnh cho hay.
"Không thể nói giáo viên ở Hà Nội quá đông"
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đại diện cho hơn 2.500 giáo viên các trường đang làm hồ sơ dự thăng hạng trên địa bàn thành phố, phản hồi sau chia sẻ của Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội về việc "quá đông nên không thể xét thăng hạng".
"Thứ nhất, việc thu hồ sơ thì các trường rà soát, kiểm tra khá kỹ. Sau đó phòng Tổ chức cán bộ của Sở GDĐT Hà Nội đã thu. Quá trình thu này hồ sơ đã kiểm tra lần 2... Như vậy, Sở Nội vụ không cần tham gia nếu tin tưởng Sở GDĐT Hà Nội. Thứ hai là việc chấm hồ sơ, chỉ cần Sở Nội vụ xây dựng thang điểm, chuyển về Sở GDĐT Hà Nội. Phòng Tổ chức cán bộ sẽ chấm và chịu trách nhiệm. Thông tin dữ liệu hồ sơ đã lập thành file có đầy đủ thông tin, Sở Nội vụ chỉ cần sử dụng một vài lệnh nên không thể nói là tốn kém.
Thứ ba, Sở Nội vụ nói Hà Nội đông hồ sơ, đó là đương nhiên: Đông dân, đông học sinh, đông giáo viên thì phải đông hồ sơ. Số lượng nhân viên của Sở cũng tỉ lệ thuận với các số liệu trên. Thứ tư, ngày 13/6 Bộ trưởng Nội vụ đã có thông tin trong buổi làm việc với báo chí sẽ bỏ thi thăng hạng, không có nước nào thi. Mấy ngày nay, Bộ GDĐT cũng đã có tuyên bố sẽ tham mưu cho chính phủ bỏ thi", thầy Đường cho hay.
Ba thầy cô trong số hơn 2.500 giáo viên ở Hà Nội gửi "tâm thư" bỏ thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh: NVCC
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên TT giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên Quốc Oai, Hà Nội bày tỏ: "Giám đốc Sở Nội vụ nói rằng xét tuyển sẽ mất rất nhiều thời gian để chấm và tốn kém. Chúng tôi xin được hỏi nếu tổ chức chấm thi thì thời gian, công sức của ngần ấy giáo viên sẽ là bao nhiêu và kinh phí của thành phố để tổ chức thi là bao nhiêu?
Không những thế, Giám đốc Sở nói tổ chức thi sẽ công bằng, khách quan. Thi cử đúng là như vậy nhưng ở đây còn là vấn đề từng thế hệ cũng như chính sách đãi ngộ với từng giáo viên. Nếu thi cùng lớp trẻ, rõ ràng thế hệ 6x, 7x sẽ thiệt thòi hơn trong khi họ có thành tích và cống hiến nhiều hơn".
Cô Lê Thị Dung, giáo viên Trường THPT Sóc Sơn cho biết: "Tôi thấy rằng tất cả các thầy cô có tên trong danh sách được tham gia thăng hạng chắc chắn phải là những giáo viên điển hình của các đơn vị tuyển chọn. Tại sao tôi lại khẳng định như vậy? Vì các thầy cô đều trải qua rất nhiều kỳ giáo viên giỏi các cấp, là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận các danh hiệu. Điều này chứng tỏ các thầy cô là những người có chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm.
Hơn nữa, để được thăng hạng, tất cả mọi người đều phải trải qua cuộc họp ban liên tịch, ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường xét kỹ lưỡng. Với những tiêu chí và điều kiện đưa ra ở trên, tôi nghĩ rằng việc xét duyệt cho các thầy cô là phương án phù hợp, sẽ không tốn kém thời gian, công sức như nêu trên".
Ngoài ra, nhiều giáo viên cũng cho rằng, việc phải tham gia thi thăng hạng giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và gây thiệt thòi cho học sinh. Cô Trần Việt Hồng, giáo viên Trường THPT Xuân Mai, Hà Nội chia sẻ: "Tháng 10 Sở Nội vụ mới ra quyết định việc thi hay xét, đồng nghĩa với việc 30.000 giáo viên phải lo ôn thi trong mấy tháng này. Việc giáo viên lo ôn thi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung nghiên cứu sách giáo khoa mới, xây dựng bài giảng để dạy theo chương trình mới. Năm học 2023-2024 chuẩn bị bắt đầu, mong cấp trên đưa ra quyết định xét thăng hạng càng sớm càng tốt để chúng tôi yên tâm giảng dạy".
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo