Giữ gìn đạo đức công vụ
Trong chỉ thị vừa ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức… can thiệp vào việc kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm giao thông.
Động thái này khá mạnh mẽ nhưng thật ra Quảng Nam là một trong số ít địa phương chậm ban hành những văn bản như thế này. Trước đó, từ năm 2022, Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Định… đều có văn bản tương tự. Thậm chí có không ít cán bộ bị nhắc nhở, kỷ luật vì can thiệp vào các vụ vi phạm giao thông.
Phía sau những quy định trên ẩn chứa rất nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận trong một thời gian dài. Nhiều cảnh sát giao thông thừa nhận họ rất bất bình vì những sự can thiệp kiểu này. Có những sự vụ có thể kiên quyết từ chối nhưng cũng có nhiều sự vụ họ phải ấm ức xếp lại biên bản. Có cả sự vụ sai phạm rành rành như các đoàn xe quá khổ quá tải, các bến bãi trái quy định…, họ thấy nhưng cũng đành như không thấy vì sau đó là nhiều mối quan hệ rắc rối.
Không ai tự làm khó mình khi can thiệp vào những sự vụ vi phạm giao thông. Những vụ việc được cảnh báo này đều là người thân, quen biết với những cán bộ, công chức liên quan. Can thiệp xin thoát một biên bản vi phạm là việc không quá nghiêm trọng nhưng hành vi này thường "nuôi dưỡng" một tâm lý rất nguy hiểm là ỷ lại vào mối quan hệ đã có và càng xem thường pháp luật về giao thông. Những hành vi thách thức cảnh sát khi vi phạm, những câu nói kiểu "mày biết tao là ai không?", hoặc khinh khỉnh bỏ đi… hầu hết xuất phát từ tâm lý này. Tâm lý này tiếp tục được "phát huy" trên đường thì không khó để có thể hình dung ra hậu quả.
Một thực tế đau đớn mà ít người quan tâm là Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỉ lệ người chết vì giao thông thuộc diện cao của khu vực. Trong năm 2022, chúng ta có đến hơn 6.300 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2023, con số này đã hơn 1.000 người. Hậu quả tai nạn giao thông rất khủng khiếp và liên lụy đến số phận hàng vạn gia đình. Can thiệp những trường hợp vi phạm thì đơn giản nhưng hãy tưởng tượng những hành vi này có thể gây tang tóc cho gia đình khác thì vấn đề trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Thông điệp đã được gửi đi rất cụ thể, việc cần làm ngay là xử lý mạnh tay. Hiện tại không khó để tìm ra người can thiệp vào vi phạm nếu hành xử đủ công minh và nghiêm khắc.
Nguồn: https://nld.com.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo