Giữ vững tư cách người cách mạng
“Tư cách một người cách mệnh” là bài giảng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các lớp huấn luyện chính trị và được in ngay trang đầu cuốn “Đường Kách mệnh”. Ba yêu cầu đối với tự mình, với người, với việc mà tác giả nêu trong bài thể hiện khái quát nhất về đức và tài ở một người cán bộ, sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến rất nhiều và có nội dung toàn diện hơn. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người lại dặn: Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
HỒ CHÍ MINH
Muốn làm cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, điều quyết định là phải có một đảng cách mạng và những người cách mạng thật sự, vừa có năng lực cách mạng, vừa có đạo đức cách mạng. “Tự mình phải: Cần kiệm... Cả quyết sửa lỗi mình... Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm... Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 280-281). Đó là tư cách, là đức và tài của người cán bộ.
Có tài không có đức, có hại cho nước
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức và tài là hai nhân tố quan trọng hàng đầu làm nên tư cách người cán bộ, trong đó đức là gốc; không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết; có lòng yêu nước, yêu đồng bào; không tham danh vị, không tham tiền, không tham sắc; biết người tốt thì nâng đỡ, biết người xấu thì không dùng; nói và làm cho nhất trí, làm thế nào cho dân tin; phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều; có lòng dũng cảm trong công việc,... Tài ở người cán bộ là trình độ chuyên môn, là năng lực công tác; không chỉ am hiểu những vấn đề của cuộc sống, dự đoán được xu thế của nó mà còn có khả năng quy tụ, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp, vấn đề mới nảy sinh trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình.
Trong mối quan hệ giữa đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đức là gốc, nhưng bao giờ cũng đặt tài đi liền với đức và chính Người là hiện thân của nghệ thuật dùng nhân tài. “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài, như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” (Sách đã dẫn, tập 10, tr.345,346). Như vậy là tài ở trong đức và sẽ được trọng dụng khi có đức; đức chỉ có ý nghĩa khi có tài. Đức và tài là sự hội tụ làm một trong nhân cách mỗi cán bộ.
“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống” (Sách đã dẫn, tập 11, tr.612) mà do đấu tranh, rèn luyện hàng ngày mới có. Với quan niệm như vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người chỉ ra những việc phải hết sức làm khi có lợi cho dân, những việc phải hết sức tránh nếu làm hại đến dân. Trong công tác cán bộ, Người có cách nhìn toàn diện, nhân văn đồng thời sớm cảnh báo những điều dễ làm cán bộ suy thoái, biến chất. Chỉ sau hơn một tháng, Cách mạng giành chính quyền, Người đã có Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, chỉ rõ những lầm lỗi rất nặng mà cán bộ thường phạm phải, như: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân… Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?… Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài…” (Sách đã dẫn, tập 4, tr.65).
Thật buồn, những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo đã hơn 70 năm, nhưng hiện nay vẫn không ít cán bộ vướng phải, nhất là tình trạng làm trái, tham nhũng, tiêu cực làm hại nước, hại dân và hại chính mình. Đọc những lời căn dặn ấy càng thấy chúng ta còn mắc nợ Người nhiều lắm.
Đưa việc làm theo Bác thành nhu cầu tự thân mỗi người
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại Lễ truy điệu Người, Ban Chấp hành Trung ương đã nguyện thề: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người,… xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ Tịch”. Gần đây là ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 01, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là công việc không chỉ thể hiện lòng biết ơn công lao trời biển của Người mà còn là trách nhiệm của chúng ta, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên đối với dân, với nước.
Tuy có những kết quả chuyển biến đáng kể trong học và làm theo Bác, nhưng việc rèn luyện, tu dưỡng để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân như Người mong muốn thì còn nhiều điều phải làm. Thật đau xót, không ít cán bộ, có cả cán bộ cấp cao, cả tướng lĩnh mới hôm qua còn rực rỡ ánh hào quang, nhưng hôm sau đã bị cơ quan chức năng phát hiện phạm tội, thậm chí tội nghiêm trọng phải chịu án chồng án. Chưa bao giờ cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo quyết liệt như những năm gần đây. Thế nhưng vẫn không ít cán bộ tham chức, tham tiền, tham quyền, tham danh lợi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người cán bộ, đến uy tín của Đảng, Nhà nước... Điển hình là những sai phạm nghiêm trọng trong đợt phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Cả nước phải gồng mình chống dịch như chống giặc. Đảng, Nhà nước dồn tổng lực cùng toàn dân chống dịch. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, nhiều cán bộ vẫn cố tình nâng giá kit xét nghiệm để nhận hàng tỷ đồng từ Công ty Việt Á. Giữa lúc Nhà nước tìm mọi cách đưa bà con từ vùng nóng đại dịch về nước thì không ít cán bộ đã lợi dụng chính sách ấy để kiếm chác. Thử hỏi còn đâu là tư cách người cán bộ cách mạng!
Học tập, làm theo Bác là việc làm thường xuyên, suốt đời, mọi lúc, mọi nơi. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải thường xuyên soi lại mình, sửa mình để từng bước hoàn thiện hơn, có như thế mới nêu gương được cho cấp dưới. Các cấp ủy cần có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá phải công tâm, minh bạch như lời Bác dặn, coi trọng cả đức và tài nhưng phải lấy đức làm gốc; có cơ chế rõ ràng để không ai lợi dụng được thân quen mà chạy chức, chạy quyền; tạo môi trường làm việc dân chủ thật sự cho ai có tài năng thì được cống hiến; ai tài năng, đức độ hạn chế thì phải nhường cho người hơn mình. Thiết nghĩ đó là một trong những động lực để cán bộ tự hoàn thiện mình hơn, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành nhu cầu tự thân, để giữ vững tư cách của một người cách mạng.
Nguồn https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/giu-vung-tu-cach-nguoi-cach-mang-697793/
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam