Gỡ rối?

Thứ tư, ngày 8 tháng 3 năm 2023 | 8:8

Sau một loạt lùm xùm, bê bối, đại án từ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ, thị trường TPDN Việt Nam rơi vào trầm lắng từ cuối năm ngoái đến nay. Thậm chí, như lời một luật sư am hiểu về tài chính nhận xét: "Giải cứu" trở thành câu cửa miệng không chỉ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản, mà còn với thị trường trái phiếu.

Nghị định 08/2023 sửa đổi về TPDN (thay thế NĐ 65) ra đời hôm chủ nhật 5/3 vừa rồi và có hiệu lực luôn khiến thị trường xôn xao đón nhận. Đối với hàng trăm doanh nghiệp, hàng chục ngàn trái chủ, đây được xem là văn bản pháp lý quan trọng quyết định sự sống còn của mỗi bên. Tuy nhiên, vừa mới ra đời, Nghị định 08/2023 cũng nhận đa chiều ý kiến.

Nhìn theo góc độ tích cực, các chuyên gia chung nhận xét, có 3 nhóm giải pháp cởi nút thắt. Đầu tiên, Nghị định cho phép tổ chức phát hành khi không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật, được người sở hữu trái phiếu chấp thuận (đi kèm tổ chức phát hành phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu).

Kế đó là “cơi nới” cho phép các trái phiếu đã phát hành còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 2 năm nếu được 65% trái chủ đồng thuận. Tuy nhiên, Nghị định 08/2023 cũng “đưa ra quy định nếu có trái chủ không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đủ theo đúng phương án phát hành đã công bố (và còn làm rõ là kể cả trong trường hợp đã được 65% trái chủ chấp thuận). Cuối cùng, với việc hoãn quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và việc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ “hãm phanh” bớt mức độ rủi ro “đóng cửa” của thị trường trái phiếu.

Doanh nghiệp đối mặt với thanh khoản thị trường thắt chặt, huy động vốn từ kênh ngân hàng bị tê liệt do ngân hàng thương mại không còn room tăng trưởng tín dụng trong suốt năm 2022, thị trường bất động sản rơi tự do, thị trường chứng khoán lay lắt và thường xuyên đỏ lửa trước sức ép của hàng trăm nghìn tỷ đồng TPDN dư nợ sắp đến ngày đáo hạn… Với tình cảnh hiện tại, một doanh nghiệp bình luận: Nếu vận hành suôn sẻ theo đúng quy trình: đàm phán - thoả thuận - đồng thuận, Nghị định 08 sẽ tạm thời cởi “nút thắt” áp lực thanh toán, tạm thời giúp thị trường TPDN “vượt cơn bĩ cực”. Nhưng phân tích sâu xa, doanh nghiệp này cho rằng: thời gian kéo lùi 2 năm chỉ đủ để các doanh nghiệp có tài sản xoay xở dòng tiền, bán tài sản đang có đi chuẩn bị tiền gốc và lãi thanh toán. Việc thoả thuận thay thế trả nợ tiền bằng tài sản khác hay kéo lùi thời hạn có được hay không, lại là quyền lớn của các nhà đầu tư, trái chủ. Chưa kể, với 70% dự án bất động sản đang mắc kẹt pháp lý, liệu có bao nhiêu trong số TPDN mắc kẹt được hoán đổi êm xuôi?

Điểm nhấn mới mà Nghị định 08/2023 đưa ra chính là nhóm giải pháp tình thế nhằm gỡ rối tạm thời để doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý “cục nợ” TPDN tồn đọng, cũng như đảm bảo trả đầy đủ quyền lợi tài chính cho các trái chủ đã tin tưởng mà đầu tư vào TPDN họ phát hành. Còn nhìn xa về tương lai phát triển thị trường TPDN, theo một chuyên gia cứng trong lĩnh vực này vẫn nên quản chặt điều kiện cả chủ thể phát hành lẫn trái chủ đầu tư. “Về bản chất, chỉ nên bán TPDN cho các quỹ/ngân hàng đầu tư chuyên nghiệp. Không nên để nhà đầu tư cá nhân tham gia. Như vậy vừa huy động được nguồn lớn, vừa bảo đảm được đánh giá và quản lý chuyên nghiệp hơn”, ông khẳng định.

Nguồn: https://tienphong.vn/