Góc nhìn giáo dục: Sao chép hay trích dẫn?

Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024 | 12:37

Trong các trường đại học, sao chép trở thành phương tiện phổ biến nhất để giải quyết nhu cầu học liệu của giảng viên, sinh viên, học viên phục vụ nghiên cứu, học tập và giảng dạy.

Những nhu cầu này gần như vô hạn nhưng khả năng đáp ứng luôn hữu hạn. Thực tế này cộng hưởng với những yếu tố khác như năng lực cung ứng của mỗi trường, bất cập của pháp luật, ý thức của sinh viên, học viên còn hạn chế... khiến việc sao chép trong môi trường này ngày càng tùy tiện, thậm chí vượt ngoài khả năng kiểm soát của nhà trường.

Đáng chú ý phải kể đến thực tế có sự nhầm lẫn giữa hành vi trích dẫn với sao chép. Trích dẫn được hiểu là lấy một số thông tin, nội dung từ tác phẩm này đưa vào tác phẩm khác nhằm minh họa, giới thiệu, bình luận... Còn sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao dưới bất kỳ hình thức vật chất nào. Do đó, kết quả trích dẫn không tạo ra bản sao và vi phạm trích dẫn không xâm phạm quyền tài sản của tác giả. Như vậy, hành vi sao chép có dấu hiệu khách quan là tạo ra bản sao, nếu sao chép bất hợp pháp là xâm phạm quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Góc nhìn giáo dục: Sao chép hay trích dẫn?

Thực tế có sự nhầm lẫn giữa hành vi trích dẫn với sao chép. Ảnh minh họa: thegioididong.com

Tuy nhiên, trên thực tế, hai hành vi này bị sử dụng nhầm lẫn trong văn bản pháp luật, cũng như trong thực tiễn thi hành. Ví dụ, để ngăn chặn tình trạng vi phạm trích dẫn, sao chép trong đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hai thông tư gồm: Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30-8-2021 về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ và Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28-6-2021 về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Hai thông tư này có sự nhầm lẫn, thậm chí đánh đồng giữa sao chép với trích dẫn. Như vậy, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ bị phát hiện sao chép thì không thể cho chỉnh sửa, cũng không thể thu hồi bằng đã cấp mà phải hủy kết quả học tập. Việc lấy tác phẩm của người khác để sao chép tạo ra luận văn, luận án của mình là đỉnh điểm của hành vi gian dối trong học tập, nghiên cứu, thể hiện tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều so với vi phạm trích dẫn. Do đó, chúng ta cần hoàn thiện pháp luật rõ ràng hơn, tránh những quy định mập mờ dẫn đến suy diễn mâu thuẫn.

Ngoài ra, dù pháp luật có hoàn thiện đến mức nào, nỗ lực bảo vệ quyền tác giả của nhà trường đến đâu chăng nữa nhưng nếu thiếu nền tảng, ý thức của người học thì vẫn không thể khắc phục tình trạng vi phạm. Do đó, bên cạnh các giải pháp vừa nêu, cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền pháp luật quyền tác giả trong các trường đại học.

Nhà trường tổ chức các hình thức và phương pháp khác nhau tác động lên sinh viên, học viên một cách có hệ thống, có kế hoạch theo những định hướng, nguyên tắc nhất định nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức, tình cảm đối với pháp luật quyền tác giả, đồng thời giúp chủ thể biết cách thực hiện các quy định của pháp luật để bảo đảm, bảo vệ các quyền và lợi ích của mình cũng như của người khác. Nói cách khác, giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, học tập, nghiên cứu pháp luật quyền tác giả trong các trường đại học phải xuất phát từ hai luận điểm cơ bản là “học về quyền tác giả và học vì quyền tác giả”.