Gói tài chính “giải cứu” công nhân khỏi bẫy tín dụng đen
Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến thu nhập và việc làm của người lao động. Đã có một bộ phận công nhân lao động cần đến loại hình tài chính tiêu dùng với những điều khoản, thủ tục vay dễ dàng để giải quyết khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.
Do đó, hiện tượng vay nặng lãi tại những nguồn cung không bảo đảm (tín dụng đen) đã gia tăng sau hai năm dịch bệnh.
Sau cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chỉ định hai công ty tài chính tiêu dùng thuộc HDBank và VPBank cho công nhân lao động vay 20 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, mỗi ngân hàng triển khai cho vay gói 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để hỗ trợ tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân. Chương trình do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm giúp công nhân lao động tiếp cận được nguồn tài chính chính thống để tránh vướng vào hệ lụy của vay tín dụng đen.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên trên thị trường có một gói vay tổng trị giá lớn đến như vậy dành cho đối tượng công nhân lao động. Điều này cho thấy sự quan tâm rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng, tổ chức công đoàn, trong nỗ lực thúc đẩy tài chính bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Công nhân lao động được tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng sẽ giảm bớt gánh nặng và nỗi lo khi có nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ, kiếm thêm thu nhập khi sớm được tiếp cận gói vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, họ cũng đang còn những băn khoăn về thủ tục, quy trình vay.
Để công nhân lao động sớm tiếp cận được nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần hướng dẫn các thủ tục để sớm có phương án nhanh chóng triển khai gói vay ưu đãi này tới người lao động.
Để gói tín dụng phát huy hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần xây dựng quy định thủ tục vay nhanh gọn, dễ dàng. Bởi nếu lại là những thủ tục rườm rà, yêu cầu người vay phải chứng minh nhiều giấy tờ, chờ đợi lâu, công nhân lao động sẽ không có nhiều thời gian để xin nghỉ làm để đi làm thủ tục. Khi công nhân lao động có nhu cầu vay gói tín dụng này, công đoàn cơ sở nên có những quy định, quản lý, đứng ra tín chấp, để đoàn viên, người lao động thật sự có nhu cầu được tiếp cận vốn vay, cũng như bảo đảm an toàn nguồn vốn.
Hai công ty tài chính tiêu dùng thuộc HDBank và VPBank cần đi đầu áp dụng công nghệ số hiện đại, với các sản phẩm dịch vụ online tiện ích, an toàn, nhất là dịch vụ vay qua app. Qua đó hỗ trợ giúp công nhân tiếp cận được các gói vay ưu đãi rất dễ dàng và hưởng mức lãi suất thấp.
Gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng được triển khai hiệu quả sẽ là tiền đề cho các gói tín dụng ưu đãi khác tiếp tục được triển khai, phủ sóng để công nhân lao động nói riêng, người dân nghèo nói chung được hưởng lợi. Đây không chỉ thể hiện sự chăm lo toàn dân của Chính phủ mà còn là giải pháp căn cơ nhằm từng bước dẹp trừ các tổ chức tội phạm hoạt động tín dụng đen.
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3