Gói ưu đãi 2% “biết rồi, khổ lắm, vẫn nói”
“Mệt mỏi” trong việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, “đau đầu” khi nhìn vào lãi suất cho các khoản vay trung, dài hạn, “mỏi mòn” chờ kéo dài chính sách hỗ trợ như giảm thuế GTGT… không còn là câu chuyện mới của các doanh nghiệp (DN) từ năm 2022.
Và 2023 lại tiếp diễn với nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm từ trung ương đến địa phương nhằm kiến nghị gỡ khó, hỗ trợ... rồi sau đó “khó vẫn hoàn khó”.
Tại tọa đàm được tổ chức hồi đầu tuần trước của báo Người lao động, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết một trong những nhiệm vụ chính của NHNN là phối hợp triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN, nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển.
Trên cơ sở đó NHNN phối hợp với hiệp hội DN, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận, huyện trên địa bàn, tổ chức đối thoại DN và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhưng câu chuyện làm sao để DN tiếp cận được gói ưu đãi lãi suất 2% cũng được nhắc đến nhiều lần nhưng “vướng vẫn hoàn vướng”.
Lấy một thí dụ như DN du lịch nêu ra khó khăn trong việc phải đáp ứng nhiều điều kiện ràng buộc để tiếp cận gói ưu đãi lãi suất 2% phục hồi sau đại dịch. Ông Nguyễn Đức Lệnh trả lời nhóm ngành du lịch thuộc đối tượng cho vay của gói ưu đãi lãi suất 2%, nhưng điều kiện tiên quyết là phải đủ điều kiện vay vốn và được ngân hàng phê duyệt cho vay.
Nhưng thử hỏi nếu đáp ứng được điều kiện tiên quyết này thì chắc nhiều DN cũng không cần hỗ trợ và mệt mỏi kiến nghị tại các hội nghị, tọa đàm làm gì. Và cuối cùng những khó khăn về thủ tục tiếp cận gói hỗ trợ sau các kiến nghị cũng không có gì cải thiện. Chính vì vậy mà kết quả của năm 2022 tỷ lệ giải ngân vẫn còn rất thấp.
Với nhiều DN từ nửa cuối năm 2022 và dự báo đến quý II-2023, sẽ là giai đoạn cực kỳ khó khăn khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều điều khó đoán định. Nhu cầu tiêu dùng hầu hết các mặt hàng đều giảm sút mạnh khiến DN xuất khẩu rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng.
VCCI cho biết nhiều chủ DN đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để giúp DN duy trì hoạt động. DN kiến nghị Chính phủ và ngành ngân hàng, tài chính nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế hoặc rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề về thủ tục.
Thế nhưng, chính sách giảm Thuế GTGT về 8% hiện chỉ dừng lại ở kiến nghị của DN, còn liên quan đến gia hạn thời gian nộp thuế đang có nhiều hy vọng hơn. Cụ thể, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp Thuế GTGT, Thuế thu nhập DN, Thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023.
Theo đánh giá của nhiều DN, nếu Nghị định được ban hành sẽ là trợ lực lớn cho DN. Bởi trong lúc đơn hàng giảm, tiếp cận vốn vay khó khăn do lãi suất cao, nếu các dòng thuế được gia hạn thì DN sẽ có thêm dòng vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà không phải chịu chi phí lãi vay.
Đặc biệt với Thuế GTGT là thuế gián thu, khi được gia hạn thời gian nộp thuế đối với sắc thuế này, người nộp thuế được sử dụng khoản tiền không phải là của mình trong thời gian gia hạn.
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo