Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
Số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó đã ghi nhận các bệnh nhi mắc sởi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở ô xy hoặc thở máy.
Sáng 23-12, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 13-12 đến ngày 20-12), toàn thành phố ghi nhận 50 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện(tăng 6 trường hợp so với tuần trước đó).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 259 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.
Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó 75 trường hợp dưới 9 tháng tuổi (chiếm 29%); 47 trường hợp từ 9 - 11 tháng tuổi (chiếm 18,1%), 85 trường hợp từ 1 - 5 tuổi (chiếm 32,8%), 21 trường hợp từ 6 - 10 tuổi (chiếm 8,1%) và 31 trường hợp trên 10 tuổi (chiếm 12%).
Riêng tại Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận hơn 40 ca kể từ khi chính thức hoạt động vào đầu tháng 10. Tiến sĩ-bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, khoảng 30% bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở ôxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng.
Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhi mắc sởi cũng gia tăng. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhi mắc sởi. Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện cho biết, các trẻ mắc sởi được ghi nhận chủ yếu là trẻ từ 4 tháng tuổi đến 8 tuổi. Nhiều trẻ khi vào viện đã bị biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản.
Theo nhận định của CDC thành phố, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới sẽ có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.
Để kiểm soát dịch bệnh, Tiến sĩ-bác sĩ Đỗ Thị Thuý Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch tiêm vắc xin sởi. Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi. Tiêm phòng đầy đủ không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi trong năm 2024 đã được triển khai tại 18 tỉnh, thành phố nguy cơ cao, rất cao. Đến nay, chiến dịch này đã đạt 98%; hơn 1,2 triệu liều vắc xin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ đã tiêm hết. Tuy nhiên, có tới 27,2% số ca mắc sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm chủng). Bộ Y tế sẽ mở rộng độ tuổi tiêm từ 6 - 9 tháng tuổi.
Ngoài ra, tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 59 trường hợp so với tuần trước), 30 trường hợp tay chân miệng (tăng 4 trường hợp so với tuần trước)và 1 trường hợp mắc ho gà tại huyện Thạch Thất là bé trai 1 tháng tuổi.
Các dịch bệnh khác như: Liên cầu lợn, não mô cầu, Covid-19, uốn ván… không ghi nhận ca bệnh trong tuần.
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Người đàn ông phát hiện khối u ác tính từ dấu hiệu đơn giản
- Cực hiếm: Bé gái 'vượt ngàn chông gai' chào đời với 9 vòng dây rốn quấn cổ
- Bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, bác sĩ tiết lộ dấu hiệu ‘3 tăng 1 giảm’
- 9 dấu hiệu của bệnh trầm cảm