Hà Nội: "Giật mình" khi trường tiểu học có 42,9% học sinh cận thị
Đó là Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam. Cụ thể, trong 803 học sinh được khám mắt có 415 em có tật khúc xạ (51,7%) và 344 em bị cận thị (42,9%).
Chiều 10-10, Bệnh viện Mắt Hà Nội tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2024 (10-10) với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”.
Quang cảnh lễ mít tinh. Ảnh: Thu Trang
Theo Bệnh viện Mắt Hà Nội, trong và sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ tật khúc xạ ở trẻ, đặc biệt là cận thị nặng ngày càng gia tăng. Kéo theo đó, nhu cầu điều trị ngày càng lớn.
Số liệu sàng lọc chương trình chăm sóc mắt học đường tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội năm 2023 cho thấy, trong tổng số 5.567 học sinh của 5 trường tiểu học: Giáp Bát, Quảng An, Thanh Xuân Nam, Tiền Phong A, Vân Nội trên địa bàn 5 quận, huyện (Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân, Mê Linh, Đông Anh) được khám mắt, có 1.680 học sinh có tật khúc xạ (chiếm 30,2%) và 1.233 học sinh bị cận thị (chiếm 22,1%).
Riêng Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân), tỷ lệ học sinh có tật khúc xạ và cận thị cao nhất. Cụ thể, trong số 803 học sinh được khám mắt có 415 em có tật khúc xạ (chiếm 51,7%) và 344 em bị cận thị (chiếm 42,9%).
Lý giải về tình trạng này, Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Việt Dũng, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội) cho biết, ngày nay, tác động của việc sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử lên đôi mắt là rất rõ. Ngay trong đại dịch Covid-19 vừa qua, học sinh không được đến trường, phải học trực tuyến. Vì vậy, sau đại dịch, số lượng trẻ em đeo kính tăng vọt, tình trạng cận thị cũng nặng hơn...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội khám mắt cho trẻ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, cho rằng, cận thị là vấn đề rất “nóng” hiện nay, liên quan đến sức khỏe của trẻ em và nhận được sự quan tâm của cả gia đình và xã hội. Hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới (10-10) với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”, Bệnh viện Mắt Hà Nội và chuyên ngành Mắt của thành phố cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về chăm sóc mắt cho cả phụ huynh và thầy, cô giáo để phòng tránh cận thị học đường.
“Công tác truyền thông làm sao để mọi người hiểu về tầm quan trọng trong việc chăm sóc mắt cho trẻ em và làm sao để phát hiện các dấu hiệu bất thường, đưa trẻ đi khám sớm. Từ đó, phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về mắt, tránh gây hậu quả lâu dài” - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh lưu ý.
Để phòng tránh cận thị học đường, Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Việt Dũng khuyến cáo, cho trẻ ngồi học đúng tư thế, khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25-30cm. Ngoài ra, phòng học phải bảo đảm đủ ánh sáng; kích thước bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng cấp học.
Mặt khác, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ xem tivi, sử dụng điện thoại, máy tính để chơi điện tử. Đồng thời, cho trẻ tăng cường hoạt động thể lực ngoài trời trong khoảng thời gian hơn 2 giờ/ngày và hơn 10 giờ/tuần. Cùng với đó, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt, ăn ngủ, nghỉ hợp lý. Ngoài ra, cho trẻ khám mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt để phát hiện sớm tật khúc xạ, đeo kính đúng số, đúng cách.
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa