Hà Nội: Hàng vạn cơ hội chọn nghề, chọn việc cho người lao động
Tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động vào ngày 12-5 tới, Ban tổ chức cung cấp hàng vạn cơ hội chọn nghề, chọn việc cho người lao động.
Sự kiện càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh tỷ lệ chỉ tiêu vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội năm nay là hơn 60% trên tổng số học sinh lớp 9. Vì thế, phụ huynh và học sinh cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt cơ hội học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, cao đẳng.
Chú trọng tư vấn
Có con đang học lớp 9, chị Nguyễn Thị Hồng (số 444 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ) đau đáu chuyện tìm hiểu về cơ hội học tập và chọn nghề nghiệp tương lai của con mình đã mấy tháng nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Vì chỉ tiêu tuyển sinh trung học phổ thông công lập có hạn nên gia đình tôi đã chủ động tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng hỗ trợ con vừa có cơ hội học tập văn hóa và được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa được học nghề, gắn đào tạo với ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, giữa rừng thông tin quảng cáo trên mạng, thực sự không dễ để có thể đưa ra quyết định chọn nghề, chọn việc phù hợp cho con”.
Nỗi niềm của chị Hồng cũng là mối lo chung của nhiều gia đình, phụ huynh, học sinh. Nắm bắt tình hình này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp UBND huyện Đông Anh tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024 vào sáng 12-5 (từ 7h đến 12h), tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Đông Anh (đường Cao Lỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội), nhằm cung cấp tối đa cơ hội chọn nghề, chọn việc cho người lao động, đặc biệt, chú trọng hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: “Địa điểm tổ chức Ngày hội có sức chứa hàng chục nghìn người sẽ là nơi hội tụ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng các doanh nghiệp liên kết đào tạo, cung cấp hàng vạn cơ hội chọn nghề, chọn việc cho người có nhu cầu”.
Trình diễn kỹ năng nghề là một trong các hoạt động giúp học sinh hình dung rõ hơn về các nghề để có lựa chọn phù hợp. Ảnh: M.H
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Lê Minh Thảo thông tin, đến nay, đã có hơn 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, trình diễn kỹ năng nghề tại 70 gian hàng.
Đáng chú ý, Ban tổ chức đã phân công, phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí xe đón 8.000 học sinh năm cuối cấp tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại các quận, huyện, thị xã tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo nghề gắn liền thực tiễn
Năm 2024, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo cho 235.000 lượt người (cao đẳng 26.000, trung cấp 30.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 179.000), phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào đạt 74,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%, giải quyết việc làm mới cho 165.000 lao động.
Để hiện thực hóa các con số này, Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động được coi là một giải pháp hữu hiệu, đã trở thành hoạt động tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp thường niên của thành phố. Thực tiễn các kỳ Ngày hội tổ chức liên tiếp những năm qua đã chứng minh tính hiệu quả của giải pháp này. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2023, Ngày hội đã được tổ chức 4 lần, thu hút gần 35.000 người tham gia.
Đáng chú ý, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 1.000 lượt doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, giải pháp, hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Cụ thể là: Tiếp nhận 39.234 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; 427 doanh nghiệp tuyển dụng 71.654 học sinh, sinh viên vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp; 405 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho 63.307 học sinh, sinh viên, người lao động; 273 doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, kinh phí cho các cơ sở trong quá trình đào tạo; 107 doanh nghiệp tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình ở các trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.
Khẳng định “tỷ lệ đào tạo nghề tăng đều qua các năm, công tác đào tạo nghề ngày càng gắn liền với ứng dụng thực tiễn”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái nhấn mạnh: “Tại Ngày hội kỳ này, hoạt động ký kết hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng. Đồng thời, hoạt động trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ ô tô... của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo cơ hội cho học sinh chọn nghề, chọn việc”.
Những hoạt động này còn góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của giáo dục nghề nghiệp, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô./.
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân