Hà Nội: Hoàn thiện hồ sơ khởi kiện 592 đơn vị chậm đóng BHXH, vì sao chưa thể xử lý?
Từ năm 2016 đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Công đoàn khởi kiện đối với 592 đơn vị, với số tiền chậm đóng BHXH 475,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xét xử được vụ nào về hành vi chậm đóng BHXH, vì sao?
Theo BHXH thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm đầu tháng 10-2023, các cơ quan chức năng ghi nhận trên địa bàn thành phố có gần 15.000 đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể. Số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động tại các đơn vị này lên tới hơn 1.712 tỷ đồng, chiếm 32% tổng số tiền chậm đóng BHXH trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
Đây là những khoản tiền khó thu hồi về Quỹ BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động, sự phát triển ổn định của quỹ an sinh.
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thường xuyên công bố quyết định thanh tra doanh nghiệp chậm đóng BHXH.
Trước thực trạng nêu trên, BHXH thành phố Hà Nội đề nghị BHXH Việt Nam kiến nghị, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định xử lý đối với các đơn vị sử dụng lao động mất tích, giải thể, phá sản, ngừng, dừng giao dịch, người sử dụng lao động bỏ trốn, không có khả năng thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT để giải quyết chế độ cho người lao động.
Ngoài khoản tiền chậm đóng khó thu hồi, tổng số tiền chậm đóng BHXH trên địa bàn Hà Nội hiện lên tới hơn 5.500 tỷ đồng, đòi hỏi các bên cần ráo riết vào cuộc.
Với vai trò thực hiện chính sách, ngoài công tác đôn đốc thu, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, BHXH thành phố Hà Nội còn đề nghị khởi kiện các vụ việc chậm đóng BHXH kéo dài. Từ năm 2016 đến nay, cơ quan BHXH đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị tổ chức Công đoàn khởi kiện đối với 592 đơn vị, với số tiền chậm đóng BHXH là 475,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xét xử được vụ nào về hành vi chậm đóng BHXH.
Lý do chủ quan là vì, người lao động bị ảnh hưởng về quyền lợi chưa ủy quyền cho tổ chức Công đoàn khởi kiện đơn vị chậm đóng, nên tổ chức Công đoàn chưa khởi kiện.
Về khung pháp lý, theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, các tổ chức, cá nhân trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là tội phạm. Thế nhưng, để xử lý các vụ án liên quan đến tội danh trốn đóng bảo hiểm phải có yếu tố cấu thành bắt buộc là hành vi “trốn đóng”, chứ không phải là hành vi “chậm đóng”. Trong khi đó, hiện nay, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan BHXH hoặc Thanh tra thành phố cung cấp cho cơ quan công an chỉ có hành vi “chậm đóng”, nên thiếu căn cứ để xử lý.
Ngoài ra, theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động mới được áp dụng từ ngày 1-1-2018, nên thiếu căn cứ để xử lý hành vi này trước thời điểm ngày 1-1-2018...
Để gỡ vướng, BHXH thành phố Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, làm căn cứ cho các bên dễ dàng thực thi.
- Anh dân quân không tham của rơi, tìm người để trả
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3