Hà Nội: Số ca mắc sởi, sốt xuất huyết trong tuần cao nhất từ đầu năm
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 612 ca mắc sốt xuất huyết và 10 ca sởi. Đây là số ca bệnh ghi nhận trong một tuần cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trạm Y tế xã Minh Cường, huyện Thường Tín. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội cung cấp.
Ngày 4-11, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 25-10 đến ngày 1-11), toàn thành phố ghi nhận 612 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 110 trường hợp so với tuần trước). Số ca mắc bệnh phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông 74 ca mắc; Cầu Giấy, Thanh Oai đều ghi nhận 43 ca; Nam Từ Liêm (41 ca); Đống Đa (36 ca); Ba Đình (33 ca); Thanh Xuân (27 ca); Thường Tín, Hai Bà Trưng (26 ca); Hoàng Mai, Đan Phượng (22 ca); Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Thanh Trì - mỗi nơi có 20 ca.
Như vậy, cộng dồn từ năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5.677 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 80% so với cùng kỳ 2023.
Về ổ dịch sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận 26 ổ dịch tại 13 quận, huyện: Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Đình, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thanh Trì.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 301 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 48 ổ dịch đang hoạt động.
Cùng với sốt xuất huyết, hiện số ca mắc sởi cũng gia tăng. Cụ thể, tuần qua ghi nhận 10 ca mắc sởi (tăng 3 ca so với tuần trước đó), trong đó có 7 trường hợp chưa được tiêm chủng và 3 trường hợp đã tiêm chủng.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 46 trường hợp mắc sởi; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.
Ngoài ra, tuần qua ghi nhận thêm 34 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 6 trường hợp so với tuần trước) và 1 trường hợp mắc uốn ván tại huyện Ba Vì. Các dịch bệnh khác như: Ho gà, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, rubella, não mô cầu, Covid-19 không ghi nhận ca bệnh trong tuần qua.
Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do thời điểm này đang ở giai đoạn cao điểm của dịch bệnh hằng năm.
Còn với bệnh sởi ghi nhận rải rác ca bệnh. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường các hoạt động chuyên môn giám sát, phát hiện, tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Với bệnh sởi, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phòng bệnh là quan trọng nhất và việc tiêm chủng vô cùng cần thiết. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Riêng phụ nữ mang thai thường dễ mắc sởi cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con. Với người lớn có thể tiêm nhắc lại 5 năm/lần
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo