Hà Nội: Số ca uốn ván tăng gấp 2,3 lần
Cứng hàm, co cứng hai chân sau 14 ngày bị bỏng gas, nam bệnh nhân (60 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội) được chẩn đoán mắc uốn ván. Đây cũng là trường hợp mắc uốn ván thứ 23 được ghi nhận trên địa bàn thành phố trong năm nay.
Ngày 25-10, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc uốn ván.
Bệnh nhân là nam, 60 tuổi ở quận Ba Đình. Trước khi vào viện 14 ngày, bệnh nhân bị bỏng gas ở hai cẳng chân và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, co cứng hai chân, hạn chế vận động.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng miệng chỉ há được khoảng 1,5cm, trương lực cơ toàn thân tăng nhẹ. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván theo dõi nhiễm khuẩn huyết và bỏng hai chân. Điều đáng nói là bệnh nhân này chưa được tiêm phòng uốn ván.
Một bệnh nhân mắc uốn ván được cứu sống.
Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 23 ca mắc uốn ván (tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván, có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra. Thông thường nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, các vết rách, bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, có một số trường hợp do tiêm không an toàn… Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật trong những điều kiện không vệ sinh, đặc biệt là nạo thai “chui”.
Mắc uốn ván thường là người trung tuổi trở lên vì người trẻ được tiêm vắc xin phòng uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng nên hiếm khi bị. Trong khi đó, người lớn tuổi không được tiêm vắc xin phòng uốn ván hoặc không được tiêm nhắc lại đầy đủ nên khả năng bảo vệ giảm theo thời gian.
Khi bị uốn ván cộng với có tuổi, bệnh nhân thường có bệnh nền nên diễn biến phức tạp, kéo theo thời gian điều trị nằm viện kéo dài, chi phí gia tăng.
Thực tế cho thấy, tuy rất nguy hiểm và gây thách thức trong điều trị nhưng uốn ván là một bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vắc xin đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động, trước khi bị vết thương.
Vắc xin uốn ván có hiệu lực từ 10-15 năm. Thậm chí, khi bị các vết thương vẫn có thể tiêm vắc xin để bệnh nhẹ đi. Việc tiêm phòng vắc xin uốn ván bắt buộc phải đầy đủ, theo đúng lịch hẹn (tối thiểu 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng) và nhắc lại mỗi 5-10 năm sau đó sẽ giúp tạo đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh uốn ván.
Các bác sĩ cũng lưu ý, tránh tuyệt đối tự xử lý vết thương tại nhà như thoa đắp các loại lá cây, cỏ không bảo đảm vệ sinh. Đây cũng có thể là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của vi khuẩn uốn ván.
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy