Hà Nội có ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2024
Bé trai 12 tuổi tại huyện Phúc Thọ trở thành bệnh nhân đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm nay.
Chiều 15-6, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản là bé trai 12 tuổi (ở huyện Phúc Thọ).
Một bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Khánh Chi
Bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau đó, bệnh nhi xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Tại đây, kết quả xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy của bệnh nhi cho thấy dương tính với vi rút viêm não Nhật Bản. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm nay.
Bệnh nhi này có tiền sử đã tiêm 4 mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản (mũi cuối cùng vào ngày 15-6-2019).
Theo Bệnh viện Nhi trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%) như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.
Trong 1-2 ngày đầu mắc viêm não Nhật Bản, trẻ thường có các dấu hiệu như sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan. Khi trẻ bị sốt, phụ huynh thường nghĩ đến sốt vi rút và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Nếu bị sốt vi rút thông thường thì sau khi uống thuốc sẽ hạ được sốt, trẻ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Thế nhưng, khi trẻ bị nôn khan kèm theo sốt, đau đầu tăng dần thì có thể là triệu chứng của viêm não.
Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần thực hiện tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Bên cạnh đó, xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu. Mặt khác, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đề phòng muỗi đốt và khi ngủ phải mắc màn, đồng thời thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, li bì, đau đầu, nôn khan, phụ huynh cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc viêm não và đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt