Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Thứ tư, ngày 16 tháng 10 năm 2024 | 12:51

Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) của cả nước và khu vực, thời gian qua, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù để khoa học và công nghệ (KHCN) cùng ĐMST, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo

Theo kết quả xếp hạng chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với 62,86 điểm. Xếp sau Hà Nội lần lượt là TP Hồ Chí Minh (55,85 điểm), Hải Phòng (52,32 điểm), Đà Nẵng (50,7 điểm). Về số lượng doanh nghiệp KHCN, trên địa bàn Hà Nội đang có 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp KHCN của cả nước (chiếm 21%). Thành phố hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST (chiếm hơn 26% cả nước), gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại nhiều kết quả tích cực... 

Để đạt được thứ hạng ấn tượng đó, theo Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, thời gian qua, thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó, việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về KHCN và ĐMST được ưu tiên triển khai. Trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa KHCN và ĐMST thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Các đại biểu tham quan những sản phẩm công nghệ tại sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”. 

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển KHCN và ĐMST của Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm ĐMST và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm ĐMST của cả nước và khu vực.

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có các quy định về hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức KHCN công lập được phép thành lập doanh nghiệp. Điểm mới quan trọng nữa của Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở một số lĩnh vực, đặc biệt là với những công nghệ mới. Điều này sẽ giúp Hà Nội tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ công nghệ, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. “Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN và ĐMST”, đồng chí Lê Hồng Sơn khẳng định.

Mỗi trường đại học là một trung tâm đổi mới sáng tạo

Đồng chí Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng ĐMST, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ KHCN cho rằng, dù nhu cầu ĐMST hiện nay rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp tại Thủ đô nói riêng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin về công nghệ mới, khó khăn trong tiếp cận thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp được phân ra thành các nhóm khác nhau dựa trên mục tiêu phát triển gồm nhóm doanh nghiệp lớn, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp KHCN và nhóm khởi nghiệp ĐMST. Để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau cần đưa ra những gói chính sách riêng, phù hợp, làm sao để các nhóm này có thể “hấp thụ” khi chính sách được đưa ra.

“Hà Nội cũng cần thành lập hiệp hội đầu tư mạo hiểm để kéo nguồn vốn từ nước ngoài cho doanh nghiệp; có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm; tăng cường sự hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề tầm cỡ, quy mô lớn”, đồng chí Nguyễn Trường Phi kiến nghị.

Đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị, các sở, ban, ngành của thành phố cần đẩy nhanh việc kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP Hà Nội với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Bên cạnh đó, Hà Nội cần xây dựng, vận hành hiệu quả trung tâm ĐMST và khởi nghiệp. Đây là nơi quy tụ, dẫn dắt, kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội và các địa phương lân cận, cung cấp những dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Trung tâm sẽ thu hút, gắn kết các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cả về nhân lực và tài chính cho khởi nghiệp ĐMST. Mặt khác, Hà Nội cần đẩy mạnh truyền thông, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội; thu hút sự quan tâm, tham gia và đầu tư của xã hội cho khởi nghiệp ĐMST; xây dựng văn hóa khởi nghiệp, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên nhằm gia tăng chỉ số khởi nghiệp ĐMST. 

Các chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần có định hướng về việc khởi nghiệp gắn liền với ĐMST thông qua chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành giáo dục, KHCN, lan tỏa tới các trường đại học, coi mỗi trường đại học là một trung tâm ĐMST. Hoạt động khởi nghiệp ĐMST của các trường đại học cũng cần có sự định hướng cụ thể, đầu tư trọng điểm, tránh làm theo phong trào, phát huy tính đa dạng và lợi thế đặc thù của từng trường.