Hà Nội tăng cường kiểm soát chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thứ hai, ngày 16 tháng 12 năm 2024 | 7:22

UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 4126/UBND-KGVX về việc tăng cường kiểm soát chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

nugoi-benh-kcb-bhyt.jpg

Nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Thái Bình

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội, 10 tháng năm 2024, số chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tăng cao so với cùng kỳ năm 2023; nguy cơ vượt dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 với số tiền lớn.

Cùng với đó, một số cơ sở khám chữa bệnh chưa nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc bệnh đắt tiền.

Để thực hiện tốt chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT, quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT và dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế thành phố chỉ đạo, giám sát các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn tuân thủ các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các quy định của pháp luật liên quan đến việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.

Mặt khác, xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực của bệnh viện. Đồng thời, chỉ đạo sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở khám chữa bệnh theo đúng quy định.

Ngoài ra, BHXH thành phố phối hợp với Sở Y tế thực hiện kiểm tra liên ngành theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh có gia tăng cao bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lãng phí trong thanh toán khám chữa bệnh BHYT (nếu có); chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các cơ sở khám chữa bệnh có vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

“BHXH thành phố phối hợp với Sở Y tế xem xét tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở có lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và vi phạm các điều khoản trong hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Tạm thời không thanh toán theo chế độ BHYT các chi phí tăng cao những trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh khi đã được cơ quan BHXH thông báo, yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh giải trình làm rõ; chỉ chấp nhận thanh toán đối với các chi phí hợp lý, đúng quy định”, UBND thành phố nhấn mạnh.

Đối với các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập, UBND thành phố yêu cầu rà soát công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể, hằng tuần tự kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, chỉ định điều trị nội trú và lựa chọn sử dụng dịch vụ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng yêu cầu, các bệnh viện bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư y tế của người bệnh BHYT. Danh mục thuốc mua sắm phải bảo đảm hợp lý về cơ cấu giữa các nhóm thuốc, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, giảm tỷ lệ thuốc biệt dược gốc, tăng cường sử dụng thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương.

Đối với mua sắm vật tư y tế, tham khảo giá trúng thầu trên cả nước được cập nhật trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam để đảm bảo việc mua sắm hiệu quả, tiết kiệm. Hằng tuần tự kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm.