Hài hòa lợi ích
Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần, “tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường phát triển, không ai giải cứu cho ai”.
Điều đó có nghĩa những vấn đề của thị trường bất động sản cần được mổ xẻ để có giải pháp đúng và trúng. Đó là câu chuyện 50% vướng mắc của thị trường bất động sản liên quan đến pháp luật về đất đai. Đó là việc khó tiếp cận các nguồn vốn; lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá vật liệu đầu vào tăng… dẫn đến nhiều doanh nghiệp bất động sản thu hẹp quy mô đầu tư, kinh doanh, đình hoãn dự án. Đó là nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn được cấp phép triển khai nhiều dự án quy mô vượt nhiều lần so với năng lực tài chính, trong khi phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc huy động của người mua nhà. Tình trạng này dẫn đến rủi ro về hoạt động kinh doanh, về dòng tiền, thanh khoản trên thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng, trái phiếu.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 8 vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến cơ cấu cung - cầu lệch pha, giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người; phản ứng chính sách của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng chậm; quy hoạch dự án, điều chỉnh cơ cấu dự án chậm; doanh nghiệp chưa thực sự linh hoạt, xử lý kịp thời vướng mắc do chính mình gây ra.
Hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ nêu ra. Càng trong khó khăn, các chủ thể liên quan càng phải đoàn kết, trách nhiệm, nếu không có sự hài hòa thì sẽ không ổn định và phát triển được. Thủ tướng cũng lưu ý, điểm cân bằng, dung hòa của cung cầu thể hiện ở giá bất động sản. Giá cả phải là động lực thúc đẩy chứ không phải triệt tiêu sự phát triển.
Vậy giải pháp cho thị trường bất động sản là gì? Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thống nhất triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản, với lãi suất thấp hơn mức bình quân trên thị trường 1,5% - 2%. Các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nhóm nợ… hỗ trợ nền kinh tế, bởi kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cũng phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả. Cơ cấu lại các phân khúc, hợp lý giá cả để thúc đẩy thanh khoản, kinh doanh có lãi nhưng hài hòa, không thể khó khăn cũng đòi có lãi.
Bên cạnh việc bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng cần tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp, góp phần đưa thị trường phát triển an toàn, lành mạnh; thúc đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp.
Về lâu dài, các cơ quan quản lý cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, để giải quyết mọi vướng mắc về pháp lý cho thị trường bất động sản; đồng thời xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết ngay mọi vấn đề phát sinh. Cuối cùng, trên cơ sở tinh thần hội nghị, các cấp, ngành, doanh nghiệp triển khai ngay những gì đã cam kết, thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo