Hai nhà khoa học tham gia Hội đồng giám khảo Sáng kiến Khoa học
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 có thêm hai nhà khoa học uy tín cùng đảm nhiệm vai trò "cầm cân nảy mực".
TS Nguyễn Phi Lê - Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI); giảng viên trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
TS Nguyễn Phi Lê. Ảnh: NVCC
TS Lê tốt nghiệp cử nhân và thạc sỹ công nghệ thông tin tại trường Đại học Tokyo, Nhật Bản lần lượt các năm 2007 và 2010. Cô sau đó nhận bằng tiến sĩ ngành Tin học tại Viện Tin học quốc gia Nhật Bản năm 2019. Từ chối cơ hội trở thành giảng viên chính thức của một đại học lớn ở Osaka, TS Lê trở về Việt Nam đem khát vọng sử dụng AI để giải quyết những bài toán cấp thiết trong nước.
Nữ tiến sĩ có hơn 60 kết quả nghiên cứu đã được công bố tại các hội thảo, tạp chí uy tín trên thế giới. Cô tham gia hội đồng kỹ thuật của nhiều hội thảo uy tín như ICC, WCNC, Globecom...
Hướng nghiên cứu chính của cô tập trung vào các giao thức trong mạng truyền thông, đặc biệt là các mạng thế hệ mới như mạng điện toán biên, mạng Internet vạn vật. Cô cũng tập trung nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu nhằm giải quyết các bài toán cấp thiết của Việt Nam. Bên cạnh đó, TS Lê là chủ nhiệm đề tài "Fi-Mi: Hệ thống di động quan trắc và dự đoán chất lượng không khí ứng dụng trí tuệ nhân tạo". Cô còn là thành viên chính của dự án "VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật cho người Việt". Cả hai dự án đều được tài trợ bởi quỹ VinIF.
TS Phi Lê từng đoạt huy chương bạc tại Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 41, tổ chức tại Hàn Quốc năm 2000. Lịch sử IMO ghi nhận Việt Nam có 11 gương mặt nữ đoạt huy chương qua các kỳ thi này. Cô cũng đạt nhiều danh hiệu như sinh viên xuất sắc nhất viện Tin học Nhật Bản, năm học 2018, Giải thưởng tại cuộc thi sáng tạo ý tưởng cho mạng SINET Nhật Bản, năm 2018, nhiều bài báo xuất sắc tại các hội nghị quốc tế ISSINP, SoICT, ICT-DM.
PGS. TS Mai Anh Tuấn - giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Mai Anh Tuấn. Ảnh: NVCC
Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lyon1 của Pháp năm 2004. PGS Tuấn có gần 19 năm làm việc tại Đại học Bách Khoa Hà Nội trước khi chuyển sang phụ trách phòng thí nghiệm công nghệ vi hệ thống và khu chế thử sản phẩm công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ông cũng có 3 năm đảm nhiệm vai trò PGĐ Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ.
PGS Tuấn đã công bố 60 bài báo trong các tạp chí, hội nghị quốc tế và trong nước. Hướng nghiên cứu của ông ở lĩnh vực y sinh, nông nghiệp thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong đó có nhiều công trình điển hình như chế tạo cảm biến điện hóa và thiết bị đo xác định virus cúm A, cảm biến sinh học hay linh kiện cơ, quang điện tử và vật liệu cấu trúc nano.
Bên cạnh những nghiên cứu chuyên sâu, cơ bản trong trường đại học, PGS Mai Anh Tuấn rất chú trọng duy trì và phát triển mạng lưới cộng tác với các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội cho các nhóm nghiên cứu giới thiệu và thương mại hóa sản phẩm. Ông cũng được biết đến là chuyên gia tư vấn công nghiệp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (cơ khí chính xác, điện tử, da giày và công nghiệp ôtô) thuộc chương trình công nghiệp hỗ trợ của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương. Ông cũng là người có kinh nghiệm tham gia ban giám khảo nhiều cuộc thi về sáng chế và công nghệ.
Như vậy PGS.TS Mai Anh Tuấn, TS Nguyễn Phi Lê cùng PGS.TS Hà Phương Thư, TS Đào Văn Dương, ông David Nguyen tham gia Ban giám khảo đã nâng thành viên của Hội đồng chuyên môn của cuộc thi lên 5 người.
Năm đầu tiên phát động, cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 của VnExpress hướng tới 5 lĩnh vực có tính ứng dụng rộng nhất (y sinh - hóa sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới). Cuộc thi sẽ trải qua các vòng: sơ loại, chung kết và lễ trao giải. Lễ trao giải sẽ diễn ra cùng Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit 2022) vào tháng 5.
Tham gia chương trình, các tác giả, nhóm tác giả có dự án nghiên cứu xuất sắc có thể nhận giải thưởng bằng tiền mặt cùng hiện vật. Trong đó, giải nhất được nhận 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng. Cuộc thi cũng vinh danh 5 ý tưởng xuất sắc, trị giá mỗi giải 10 triệu đồng.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học tiếp tục thu nhận các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo phục vụ cuộc sống tới ngày 13/3.
Theo VnExpress.net
https://vnexpress.net/hai-nha-khoa-hoc-tham-gia-hoi-dong-giam-khao-sang-kien-khoa-hoc-4433488.html
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết
- Doanh nghiệp Việt học hỏi được gì từ hành trình hồi sinh của gã khổng lồ Kodak?
- Ai cũng có thể là nạn nhân của deepfake khiêu dâm trong kỷ nguyên AI