Hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu đang 'làm ăn' với Nga liệu có bị vạ lây?
Các doanh nghiệp châu Âu có hoạt động tại Nga đang chuẩn bị cho những thiệt hại dự kiến khi phương Tây áp các lệnh trừng phạt nhằm cô lập nền kinh tế Nga.
Hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu đang "làm ăn" ở Nga
Hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu, từ công ty năng lượng Pháp đang hoạt động tại vùng biển Bắc Cực của Nga hay những cửa hàng thời trang xa xỉ Italia gần Quảng trường Đỏ đến các nhà máy ô tô của Đức quanh miền nam nước Nga… đang cấp tập chuẩn bị cho những tổn thất có thể xảy ra khi các nước phương Tây gồm Mỹ, EU và Anh áp các lệnh trừng phạt Nga.
Hàng nghìn doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn ở Nga sẽ phải chống chọi với cú sốc kinh tế không tránh khỏi (Ảnh: New York Times).
Ông Christian Bruch - Giám đốc điều hành của Siemens Energy có trụ sở tại Đức, nhà sản xuất tua bin và máy phát điện lớn, cho biết: "Chúng tôi phải phân tích chính xác tình hình này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi".
Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 37% thương mại toàn cầu của Nga trong năm 2020. Phần lớn trong số đó là năng lượng, chiếm khoảng 70% xuất khẩu khí đốt của Nga và một nửa xuất khẩu dầu của Nga là sang châu Âu.
Doanh số bán hàng ở Nga chỉ chiếm 5% trong tổng kim ngạch thương mại của châu Âu, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, Nga là điểm đến quan trọng của các công ty châu Âu từ các lĩnh lực như tài chính, nông nghiệp, thực phẩm, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ và hàng hóa xa xỉ.
Thậm chí, một số công ty châu Âu, đặc biệt là các công ty của Đức, đã có quan hệ kinh doanh với Nga trong nhiều thế kỷ. Deutsche Bank và Siemens đã có hoạt động kinh doanh tại Nga từ cuối thế kỷ 19.
Sau khi Liên Xô tan rã, các doanh nghiệp phương Tây đến Nga vì nhiều lý do khác nhau như bán ô tô Renault, Volkswagen cho tầng lớp trung lưu thành thị hay để phục vụ cho tầng lớp giàu có những mặt hàng xa xỉ của Pháp và Italia. Một số khác lại muốn bán máy kéo của Đức cho các nông dân Nga hay mua titan của Nga để sản xuất máy bay.
Các thương hiệu thời trang Italia tại Moscow (Ảnh: New York Times).
Đến năm 2014 sau sự kiện Crimea, trong khi một số công ty đa quốc gia như Deutsche Bank đã rút bớt các giao dịch ở Nga, thì vẫn có những công ty tích cực mở rộng thị phần tại nước này bất chấp Tổng thống Nga Vladimir Putin rục rịch cho kế hoạch quân sự tại Ukraine.
Thậm chí tháng trước, theo New York Times, 20 giám đốc điều hành hàng đầu của Italia còn tổ chức một cuộc gọi video với ông Putin để thảo luận về việc tăng cường quan hệ kinh tế ngay cả khi tình hình căng thẳng tại Ukraine leo thang và các nhà lãnh đạo châu Âu đang thảo luận về các lệnh trừng phạt.
Các giám đốc điều hành của UniCredit, công ty lốp xe Pirelli, công ty điện nhà nước Enel và một số công ty khác đã lắng nghe hơn nửa giờ khi ông Putin nói về các cơ hội và đầu tư kinh doanh tại Nga.
Một cuộc gọi tương tự cũng dự kiến tổ chức vào tuần tới với các lãnh đạo doanh nghiệp Đức, bao gồm cả lãnh đạo của công ty năng lượng Uniper và chuỗi siêu thị Metro. Tuy nhiên, cuộc gọi này đã được hoãn lại.
Tiến thoái lưỡng nan
Với khối tài sản kinh tế khổng lồ như vậy, giới lãnh đạo EU buộc phải tìm những lựa chọn phù hợp cho các biện pháp trừng phạt.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, những lựa chọn đó nhằm giảm thiểu tác động cho nền kinh tế Nga và hạn chế mức độ tổn hại có thể có cho các doanh nghiệp EU.
Trong tuần qua, các đại diện từ Italia đã yêu cầu loại hàng hóa xa xỉ của mình ra khỏi các gói trừng phạt. Tương tự, cùng với Áo, họ đề xuất các biện pháp trừng phạt hẹp hơn, bỏ qua các biện pháp mạnh tay với các ngân hàng Nga, bởi ngân hàng quốc tế Raiffeisen Bank của Áo đang duy trì hàng trăm chi nhánh ở Nga.
Đáng chú ý, EU cũng bỏ qua các lệnh trừng phạt có thể gây tổn hại cho nhập khẩu năng lượng từ Nga sang châu Âu, trong đó một nhóm các công ty có tầm ảnh hưởng từ Paris tới Berlin nắm giữ lợi ích lớn. Trước đó, họ cũng không đồng ý loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Một nửa xuất khẩu dầu của Nga là sang châu Âu (Ảnh: AP).
Riêng đối với Pháp, 35 trong số 40 công ty lớn nhất của Pháp niêm yết trên sàn chứng khoán CAC 40 của nước này có các khoản đầu tư đáng kể ở Nga, từ chuỗi siêu thị Auchan trên các đường phố ở Moscow đến hoạt động khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng của gã khổng lồ năng lượng Pháp TotalEnergies ở bán đảo Yamal trên Bắc Cực. 38 trong 40 công ty niêm yết trên chỉ số DAX Index ở Frankfurt (Đức) cũng có đầu tư vào Nga.
Theo Bộ Tài chính Pháp, khoảng 700 công ty con của Pháp đang hoạt động tại Nga trong nhiều ngành công nghiệp sử dụng trên 200.000 công nhân. Mặc dù, ông Le Maire khẳng định tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Pháp là rất nhỏ, song ảnh hưởng đối với các công ty Pháp vẫn chưa rõ ràng.
Những doanh nghiệp sớm chịu ảnh hưởng
Tuy nhiên, trong số những doanh nghiệp làm ăn tại Nga, nhà sản xuất ô tô Pháp Renault có hiện diện nhiều nhất. Hãng này có 2 nhà máy tại Nga và là nhà sản xuất ô tô hàng đầu ở nước này thông qua quan hệ đối tác với Avtovaz, hãng sản xuất xe Lada, dòng xe phổ biến nhất tại Nga. Đây cũng là thị trường lớn thứ 2 của hãng xe Renault sau Pháp.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khác của Renault (Ảnh: Reuters).
Tuần trước, ông Luca de Meo, Giám đốc điều hành của Renault đã lên tiếng cảnh báo căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khác của công ty.
Vấn đề đó đã xảy ra với hãng xe của Đức Volkswagen. Hôm 25/2, hãng này cho biết sẽ tạm dừng hoạt động của 2 nhà máy sản xuất xe điện tại miền đông của Đức trong vài ngày vào tuần tới vì việc giao các bộ phận quan trọng từ miền tây Ukraine bị gián đoạn.
Volkswagen cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt Nga. Bởi kể từ năm 2009, hãng xe Đức này đã có một nhà máy tại Kaluga sử dụng 4.000 công nhân, sản xuất các mẫu xe Tiguan và Polo cũng như Audi Q8, Q9 và Skoda Rapid.
Mercedes-Benz cũng có một nhà máy sản xuất ở ngoại ô Moscow, trong khi BMW đang làm ăn với các đối tác địa phương. Cả 3 hãng xe này đều đã đầu tư vào thị trường Nga và ngày càng có nhiều người tiêu dùng Nga mua xe của họ.
Tuy nhiên, trong tuần này, khi Nga đem quân sang các thành phố Ukraine và các nước tiến hành các lệnh trừng phạt, Volkswagen cho biết ảnh hưởng đối với hoạt động kinh doanh của họ được liên tục xác định.
Còn BMW cho rằng "chính trị đặt ra các quy tắc trong đó chúng tôi hoạt động như một công ty" và "nếu các khuôn khổ thay đổi, chúng tôi sẽ cân nhắc và quyết định phải đối phó ra sao".
Các ngân hàng như Raiffeisen Bank của Áo, UniCredit của Italia và Société Générale của Pháp là những ngân hàng có quan hệ đáng kể với Nga. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, vào cuối năm ngoái, các ngân hàng của Italia và Pháp đã có khoản nợ chưa thu khoảng 25 tỷ USD ở Nga.
Pháp, Italia, Đức là những cường quốc chính của châu Âu ban đầu kêu gọi không cắt Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Bởi việc này sẽ khiến các chủ nợ châu Âu khó thu được tiền nợ từ các nguồn cung của Nga, hoặc thanh toán tiền mua khí đốt của Nga, thứ mà châu Âu vẫn đang phụ thuộc.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại cho quốc gia của họ, các quan chức châu Âu vẫn phải thừa nhận tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 24/2 thừa nhận các lĩnh vực của nền kinh tế Đức khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. "Cái giá của việc lập lại hòa bình hoặc quay trở lại bàn ngoại giao là ít nhất chúng ta phải thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế", ông nhấn mạnh.
(Theo Dân trí)
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí