Hàng từ bên kia biên giới
Nhi hào hứng khoe đã có thể đặt hàng trực tiếp từ Taobao mà không cần thông qua đầu mối khác. Là tín đồ mua sắm online, niềm vui của Nhi là hoàn toàn có thể hiểu được.
Taobao, Temu, 1688 là những tên tuổi mới ở một thị trường thương mại điện tử (TMĐT) hấp dẫn và sôi nổi. Với tốc độ tăng trưởng 25% năm 2023, TMĐT Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo số liệu dự đoán từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tổng doanh thu TMĐT bán lẻ hàng hóa cả năm 2024 có thể tăng khoảng 45% so với 2023, lên gần 30 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 14% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Miếng bánh thị trường TMĐT đang được chiếm lĩnh bởi Shopee (khoảng 67,9%) và TikTok shop (23,2%), riêng hai sàn này đã chiếm lĩnh hơn 91% thị phần, tiếp đến là Lazada, Tiki và Sendo.
Các sàn TMĐT có yếu tố Việt Nam đang dần hụt hơi trong cuộc đua thị phần. Với sự gia nhập thêm của Taobao, Temu, 1688, cuộc chơi sẽ thêm phần cạnh tranh khốc liệt.
Các "tay chơi" mới, với mô hình kinh doanh khác biệt, rõ ràng mang đến làn gió mới mà mỗi đối tượng tiếp nhận sẽ có những góc nhìn khác nhau.
Người tiêu dùng đón nhận khá tích cực. Năm 2024, kinh tế đã khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn đang thắt chặt "hầu bao". Nghiên cứu của NielsenIQ năm 2024 cho thấy 89% người tiêu dùng Việt Nam tìm kiếm mức giá thấp hơn, 72% giảm tổng chi tiêu, 62% lựa chọn nấu ăn tại nhà. Các nhóm mặt hàng không cần thiết và xa xỉ đều bị cắt giảm.
Như vậy, với sự tham gia của các sàn mới, khách hàng có thêm lựa chọn. Trước đây, người dùng ở Việt Nam vẫn mua hàng trên Taobao nhưng phải đặt và nhận hàng thông qua đại lý. Do đó, trải nghiệm về giá và thời gian giao hàng chưa thật cạnh tranh so với sàn nội địa. Giờ đây, họ có thể mua được với giá tốt, giao hàng nhanh, đôi khi nhanh hơn đặt trong nước, nhờ những tổng kho tại biên giới Trung Quốc - Việt Nam.
Thực tế này đặt ra cho nhà quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế và hải quan, nhiều thách thức. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, nửa đầu năm nay, mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị khoảng 50 triệu USD không phải đóng thuế. Theo Quyết định 78/2010, hàng hoá nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá từ 1.000.000 đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT. Một container đầy hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, chia nhỏ có thể chứa 15.000 đơn hàng, nếu đáp ứng giá trị dưới một triệu đồng mỗi đơn, sẽ không phải thực hiện các hoạt động kiểm tra chuyên ngành hay đóng thuế.
Điều này tạo ra môi trường bất bình đẳng khi các doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng các ưu đãi cho hàng hoá xuất khẩu, trong khi nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nước phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nội địa. Nhiều quốc gia như Mỹ hoặc Liên minh châu Âu cũng "đau đầu" với các gói hàng giá trị thấp và cân nhắc bỏ quy định giá trị tối thiểu hàng miễn thuế. Thái Lan từ đầu 2021 đã tiến hành thu thuế giá trị gia tăng 7% với tất cả hàng hoá nhập khẩu, không phân biệt giá trị. Singapore cũng làm tương tự từ năm 2023.
Quyết định miễn hay thu thuế đều rất khó khăn. Nếu tiếp tục miễn thuế sẽ khó hỗ trợ sản xuất trong nước, nhưng đánh thuế thì lại xung đột với lợi ích người tiêu dùng, hơn hết là phải có nhân sự và hệ thống để đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ.
Lo lắng và áp lực cũng là cảm xúc của các nhà thương mại, sản xuất tại Việt Nam lúc này. Hàng Trung Quốc vốn có lợi thuế về giá rẻ, mẫu mã đẹp, luôn sẵn sàng tại các tổng kho gần biên giới, lại thêm được sự "hậu thuẫn" từ các nền tảng TMĐT. Trong khi các nhà sản xuất trong nước đang gặp nhiều khó khăn: sản xuất còn phân tán, chưa có năng lực tự động hóa cao khi phải xử lý nhiều đơn hàng. Đặc biệt, chi phí logistics cao, làm cho hàng hoá sản xuất trong nước thiếu cạnh tranh với nước ngoài.
Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 cho thấy 15-20% chi phí sản xuất kinh doanh nằm ở khâu logistics, trong khi trung bình thế giới chỉ 8-10%. Không những với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, đại lý cũng đang dần bị loại bỏ khỏi các khâu trung gian của các nhà sản xuất Trung Quốc. Với mô hình mới của Temu D2C (Direct-to-Consumer), hàng hoá được chuyển từ nhà sản xuất đến tay khách hàng gần như trực tiếp. Đây có thể nói là biến thể hiện đại của chuỗi cung ứng, vai trò của trung gian dần bị loại bỏ, đồng nghĩa với giảm chi phí.
Tổng hợp lại, Temu, Taobao, 1688 đang có tiềm năng trở thành thế lực mới của TMĐT, và hiện trạng TMĐT xuyên biên giới một chiều (từ Trung Quốc sang Việt Nam là chủ yếu) càng khẳng định điều đó. Nhưng thành quả đó không phải một sớm một chiều mà có được. Đó là cả một chiến lược phát triển tổng thể và toàn diện. Trung Quốc từ lâu được biết đến với hệ thống hạ tầng và logistics được đầu tư đồng bộ từ đường biển, đường bộ, đường sắt đến đường hàng không. Các tổng kho được xây dựng dọc biên giới theo chiến lược lâu dài cho mục tiêu thương mại xuyên biên giới; không những vậy, các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc cũng xây dựng những tổng kho riêng với phương châm "khi cần là có".
Quy mô sản xuất lớn, tự động hóa tốt, khả năng xử lý đơn hàng cực cao đã góp phần phân phối các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đi khắp nơi. Không những đầu tư tốt từ phía bên kia biên giới, ngay tại Việt Nam, các đơn vị giao hàng cũng có mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với các sàn TMĐT để thời gian giao hàng là nhanh nhất.
Từ đó nhìn lại, hệ thống logistics và các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt vẫn còn phân tán và thiếu chuẩn hoá. Hạ tầng kho bãi chưa đồng bộ, còn qua nhiều khâu trung gian. Các hình thức như tổng kho chưa nhiều, hoặc có cũng chỉ phục vụ cho một số doanh nghiệp quy mô lớn.
Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể gom đơn hàng 1-2 lần/ngày, dẫn đến việc chậm trễ trong giao hàng. Đóng gói và xử lý đơn hàng chưa được thực hiện với mức độ tự động và chuẩn hóa cao, cũng góp phần làm tăng chi phí giao hàng. Bên cạnh đó, các đơn vị chuyển phát nội địa có dấu hiệu hụt hơi khi cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài vốn được đầu tư tốt và chuyển đổi công nghệ đồng bộ hơn.
Thay đổi hành vi của khách hàng là không thể, vì họ được quyền lựa chọn những gì phù hợp nhất. Để thích nghi với môi trường mới, các nhà sản xuất và thương mại trong nước cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Phát triển một nền sản xuất mạnh mẽ và một hệ thống logistics hiệu quả không phải là việc đơn giản, nhưng là điều cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang ngày càng phát triển.
Một cây kim, sợi chỉ được sản xuất và giao đến tay khách hàng đã là cả một quá trình phức tạp. Để cho nó cạnh tranh được, còn cần đến nỗ lực vĩ mô hơn.
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay