Áp lực chậm con và nỗi khắc khoải của những nhân viên y tế
2 năm sau hôn nhân, chị H.T.T.T (sinh năm 1993) chưa có được tin vui do những bệnh lý về buồng trứng. Bác sĩ phải chỉ định chị làm thụ tinh trong ống nghiệm mới có thể có con.
Hai vợ chồng cùng công tác tại một bệnh viện ở Bình Dương, kinh tế không dư dả, gặp nhiều khó khăn khi phải làm IVF. Khi đã sẵn sàng, vợ chồng chị trở lại bệnh viện để làm IVF. Ban đầu, mọi việc diễn ra rất thuận lợi, chị gom được 4 phôi tốt, có 3 phôi ngày 5 và 1 phôi ngày 6. Những tưởng, chị sẽ có nhiều hy vọng ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả thất bại.
Sau đó, bác sĩ chỉ định cho chị chụp HSG kiểm tra ống dẫn trứng, kết quả chị bị ứ dịch vòi trứng mức độ nặng. Lúc này, chị được chỉ định mổ nội soi bóc u lạc nội mạc buồng trứng trái, cắt ống dẫn trứng trái, bóc u bì buồng trứng phải, tình trạng ổn định mới chuyển phôi tiếp.
Tuy nhiên, ở lần chuyển phôi thứ hai, chị lại tìm đến một bác sĩ khác mong “đổi vía” nhưng cũng không thành công. Đến lần thứ 3, trong đợt Covid-19 bùng phát mạnh, chị tham gia chống dịch, phải hoãn lại việc chuyển phôi tiếp.
Đến lần thứ tư, chị quyết định quay lại trung tâm IVF ban đầu để chuyển phôi trữ cuối cùng. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho chị biết là phôi cuối không tốt như những phôi đầu nên không nhiều khả năng thành công. Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng chị vẫn rất sốc khi ở lần chuyển phôi cuối, chị vẫn không có beta.
Cũng là nhân viên y tế, công tác tại một bệnh viện khác ở Bình Dương, chị P.T.K. Ngân (sinh năm 1995) phát hiện bị rối loạn phóng noãn. Đó là lý do sau gần 3 năm hôn nhân, anh chị vẫn chưa có được tin vui. Chị Ngân cũng muốn điều trị can thiệp bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng kinh tế còn khó khăn chưa thể thực hiện được.
Bệnh nhân sau chuyển phôi đang được theo dõi sức khỏe. |
Cùng cảnh ngộ, chị N.T.B.L (sinh năm 1991, dược sĩ) và anh P.M.H (sinh năm 1991) cũng trải qua nhiều áp lực khi chậm con. Hai vợ chồng lấy nhau từ năm 2017, đằng đẵng mong con suốt nhiều năm trời, uống cả thuốc nam lẫn thuốc bắc, mua thuốc về ngâm rượu để uống, ai chỉ đâu theo đó nhưng vẫn không có kết quả. Cũng ngần ấy thời gian chị phải nếm trải những cảm giác mặc cảm, tự ti vì chưa thể làm mẹ.
Chị L. bị rối loạn phóng noãn, chu kỳ kinh cũng kéo dài, thường 6 tháng mới có 1 lần. Đến năm 2019, hai vợ chồng dành dụm được một số tiền để làm IUI nhưng cả hai lần đều thất bại. Lúc này, bác sĩ có tư vấn chị làm IVF nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên vợ chồng chị chưa thể thực hiện.
Đến đầu năm 2020, đại dịch Covid ập đến khiến cho kinh tế gia đình chị L. lúc này khó khăn hơn bao giờ hết. Hai vợ chồng tạm xa nhau để làm việc và cùng đội ngũ nhân viên y tế chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Giấc mơ làm cha, làm mẹ vì thế cũng tạm gác lại.
Đều công tác trong ngành y tế, hơn ai hết, các cặp vợ chồng hiểu rõ tình cảnh của mình. Họ đều tin vào y học hiện đại nhưng áp lực kinh tế vẫn làm họ chùn bước. Thêm vào đó, ngay tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, họ cũng là tuyến đầu chống dịch, áp lực vì thế càng đè nặng hơn.
Sau nhiều lần theo đuổi ước mơ tìm con, điều kiện kinh tế của gia đình chị H.T.T.T đã eo hẹp khá nhiều. May mắn, năm 2021, chị biết đến chương trình “Ươm mầm hạnh phúc - Khi thiên thần cũng có ước mơ” do hệ thống IVFMD tổ chức, hỗ trợ chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho cán bộ nhân viên y tế hiếm muộn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị đã thử nộp đơn và được chọn.
Cũng như chị T., chị Ngân tình cờ biết được chương trình từ người đồng nghiệp cũng đã thử nộp đơn nhưng vẫn sợ mình không đủ điều kiện. Cuối cùng, khi nhận được cuộc gọi thông báo hồ sơ được duyệt, chị thấy “như chân trời mới mở ra với mình”.
Do cả ba trường hợp đều công tác tại Bình Dương nên IVFMD Bình Dương (Bệnh viện Phương Chi) tiếp nhận điều trị. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Thị Dung - Trưởng đơn vị IVFMD Bình Dương phụ trách điều trị chính cho cả ba.
Người góp phần khẳng định kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam ra thế giới
Hành trình hái quả ngọt
Bác sĩ Nguyễn Thị Dung cho biết, chị H.T.T.T (1993) là trường hợp khó khi đã trải qua 1 lần IVF với 4 lần chuyển phôi thất bại trên nền bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Bệnh nhân có đáp ứng buồng trứng kém nên khi chọc hút trứng chỉ được 6 trứng, tạo được 2 phôi ngày 3 và có cơ hội 1 lần chuyển phôi duy nhất.
Nhưng thật may mắn, lần chuyển phối ấy đã giúp chị T. đậu cả 2 thai. Những ngày tháng sau đó, chị T. thường xuyên bị ra máu, tụ dịch bánh nhau, có nguy cơ sẩy thai bất kể lúc nào. Thời điểm mang thai, chị T. còn bị mắc Covid-19, mắc vấn đề tim mạch, bị nhịp tim nhanh nhưng lại không thể dùng thuốc can thiệp. Đến tuần thứ 37, chị sinh mổ, 2 bé gái sinh đôi, mẹ tròn con vuông.
Bé sinh ra khỏe mạnh, ổn định nhưng chị lại bị tiền sản giật và nguy cơ tái đái tháo đường thai kỳ, sinh xong chị cũng không được nhìn mặt con ngay vì mẹ con phải tách ra chăm sóc riêng. Biết bao khó khăn mệt mỏi bám lấy người mẹ trẻ đến lúc sinh nhưng cuối cùng, chị cũng đều vượt qua.
Chị H.T.T.T hạnh phúc khi đón 2 bé song sinh sau nhiều năm hiếm muộn. |
Còn riêng chị K.N., dù không phải rơi vào trường hợp khó như chị T. nhưng ngoài mắc hội chứng rối loạn phóng noãn - nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiếm muộn, khi đến khám tại IVFMD Bình Dương, chị lại bị phát hiện có thêm vấn đề là tử cung nhỏ, cổ tử cung ngắn.
Nhưng mọi khó khăn, tủi thân rồi cũng qua, niềm vui lại đến với chị khi bác sĩ báo được 11 trứng và được 9 phôi. Lúc ấy, chị chưa thể chuyển phôi ngay, 1 phần do công việc, phần khác do chị mắc Covid nên gần 5 tháng sau sức khoẻ ổn định, chị mới chuyển phôi.
Cuối cùng, quả ngọt cũng đến khi chị được thông báo có thai. Ngày 26/1/2023, bé trai kháu khỉnh chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Nói về “cột mốc” đó, chị N. không giấu được xúc động. Với chị, khoảnh khắc mà hai bố con lần đầu nhìn thấy nhau là khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc mà chị không thể nào quên.
May mắn, quá trình thực hiện IVF của chị tại IVFMD Bình Dương tương đối thuận lợi. Chị được chỉ định chọc hút trứng ngày 31/5/ 2022 với 23 trứng, tạo được 13 phôi. Chị được chuyển 2 phôi ngày 5 và may mắn đậu thai.
Không lời nào có thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của các gia đình. Sau hành trình tìm con gian nan, cảm xúc đọng lại ở bác sĩ là sự kiên trì, nỗ lực, không bỏ cuộc của các bệnh nhân. Đặc biệt, khi họ thực hiện IVF và mang thai ở thời điểm dịch bệnh khó khăn thì nỗ lực đó phải tăng gấp đôi, gấp ba. Theo bác sĩ Dung, sự kiên trì lạc quan đó cũng là yếu tố giúp cho hành trình IVF thuận lợi hơn.
Chị T, chị N. và chị L. là 3 trong 5 trường hợp làm IVF miễn phí của chương trình “Ươm mầm hạnh phúc - Khi thiên thần cũng có ước mơ” do bác sĩ Dung điều trị tại IVFMD Bình Dương và cả 5 đều mang thai.
Chương trình “Ươm mầm hạnh phúc - Khi thiên thần cũng có ước mơ” 2021 là chương trình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí của hệ thống IVFMD dành cho các cặp vợ chồng mong con, có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thực hiện được.
Đây là chuỗi chương trình được khởi xướng bởi Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng từ năm 2014 với mong muốn mang lại hạnh phúc gia đình trọn vẹn cho các gia đình Việt Nam, đặc biệt là các cặp vợ chồng khó khăn trong việc mang thai và gặp nhiều áp lực tài chính. Năm 2021, với chủ đề “Khi thiên thần cũng có ước mơ”, chương trình được thiết kế dành riêng cho các nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn, đang trăn trở với nỗi niềm mong con với mong muốn tôn vinh sự cống hiến, cũng như gửi lời tri ân đến các đồng nghiệp đã dành nhiều tâm sức giúp cả nước vượt qua dịch bệnh.
Kết quả, chương trình đã tiếp nhận gần 60 trường hợp đủ tiêu chuẩn tham gia. Trong đó, 21 trường hợp đã điều trị tại IVFMD Tân Bình (Bệnh viện Mỹ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh); 19 trường hợp tại IVFMD Phú Nhuận (Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh); 10 trường hợp tại IVFMD Family (Bệnh viện Đa khoa Gia Đình, Đà Nẵng); và 5 trường hợp tại IVFMD Bình Dương (Bệnh viện đa khoa Phương Chi, Bình Dương). Đặc biệt, 5 trường hợp làm IVF tại IVFMD Bình Dương đều thành công.