Hành trang trở lại điều hành Novaland của ông Bùi Thành Nhơn thế nào?

Thứ ba, ngày 14 tháng 2 năm 2023 | 14:52

Ông Bùi Thành Nhơn trước khi nổi tiếng là một tỷ phú trong giới bất động sản lại là một kỹ sư chăn nuôi thú y, làm việc nhiều năm trong ngành thuốc thú y.

Nhắc đến ông Bùi Thành Nhơn, giới doanh nhân, giới đầu tư và giới Bất động sản đều gắn liền với cái tên Novaland và là vị doanh nhân trong ngành Bất động sản. Tuy vậy ít ai biết rằng ông Bùi Thành Nhơn trước khi nổi tiếng là một tỷ phú trong giới Bất động sản lại là một kỹ sư chăn nuôi thú y, làm việc nhiều năm trong ngành thuốc thú y.

Doanh nhân Bùi Thành Nhơn: Khởi nghiệp từ ngành thuốc thú y

Ông Bùi Thành Nhơn, sinh năm 1958 tại Đồng Tháp. Về trình độ chuyên môn, ông là cử nhân ngành chăn nuôi thú y trước khi học và tốt nghiệp khoá quản trị kinh doanh cao cấp HSB Tuck School of Business at Dartmouth, Hanover.

Hành trình công tác của ông Bùi Thành Nhơn cũng có một thời gian rất dài gắn với chuyên ngành học ban đầu: Chăn nuôi thú y. Từ 1981-1992 ông công tác tại Phòng Nông nghiệp UBND huyện Nhà Bè 1 năm rồi tiếp tục công việc kéo dài gần 10 năm tiếp theo tại Công ty Vật tư chăn nuôi Thú y cấp 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1992, sau hơn chục năm công tác trong ngành, ông quyết định khởi nghiệp, thành lập Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn (SaigonVet Co.,Ltd) chuyên về kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu sản xuất thuốc thú y, chất bổ sung thức ăn cho ngành chăn nuôi thú y, thuỷ sản và hoá chất phục vụ các ngành công nghiệp khác. Công ty Thành Nhơn còn là nhà phân phối tại Việt Nam cho nhiều nhà sản xuất khác trên Thế giới.

Năm 2002 tách riêng các hoạt động sản xuất, trong đó hoạt động sản xuất thuộc về SaigonVet; hoạt động phát triển nhập khẩu và phân phối thuộc Công ty Thành Nhơn.

Năm 2007 là năm đánh dấu bước ngoặt khi thị trường Bất động sản sôi động, cũng là lúc Công ty Thành Nhơn cần tái cấu trúc, phân định thành 2 nhóm phát triển khác nhau: Anova Corporation chuyên về mảng thuốc thú y và Nova Group chuyên về đầu tư kinh doanh Bất động sản.\

Hành trang trở lại điều hành Novaland của ông Bùi Thành Nhơn thế nào?

Hệ sinh thái Novagroup.

Ở mảng thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm nguyên liệu cho ngành thú y và thức ăn chăn nuôi, thủy sản, hóa chất... có các công ty thành viên khác thuộc tập đoàn Anova (Anova Corporation) là Bio-Pharmachemie, Anova J/V, Anova Pharma, Anova Feed, Anova Tech, Anova BioTech, Anova Trade và Anova Farm. Năm 2009 Công ty Thành Nhơn vinh dự có tên trong bảng xếp hạng 500 công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam theo công bố xếp hạng thường niên 2009 của VNR500.

Còn mảng kinh doanh Bất động sản được biết đến là Novaland gắn liền với tên tuổi doanh nhân Bùi Thành Nhơn hiện nay.

Tuy sau khi Nova Group được thành lập, ông Bùi Thành Nhơn được biết đến trong giới Bất động sản gắn liền với tên tuổi Novaland, nhưng vị doanh nhân này vẫn gắn liền với các hoạt động của Anova Corp.

Các thông tin công bố của Anova Corp không nhiều, tuy nhiên bản cáo bạch năm 2016 khi Novaland đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán ghi nhận ông Bùi Thành Nhơn lúc đó còn nắm giữ rất nhiều chức vụ cao nhất tại các côg ty thành viên của nhánh Anova Corp. Các chức danh nắm giữ tại những đơn vị thành viên này đều là “Chủ tịch”: Chủ tịch HĐQT của CTCP Anova Corp; Chủ tịch HĐQT của Công ty Liên doanh Bio – Pharmachemie; Chủ tịch HĐQT của CTCP Nova Mclub; Chủ tịch HĐQT của CTCP Diamond Properties; Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH MTV Novagroup Leadership Center. Ngoài ra còn là Chủ tịch HĐQT của NovaGroup và chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) – 2 đơn vị được nói nhiều nhất trong sự nghiệp liên quan đến Bất động sản của doanh nhân Bùi Thành Nhơn.

Các chức danh hiện tại ông Bùi Thành Nhơn đang “tại vị”, ngoài là Chủ tịch HĐQT tại rất nhiều công ty trong “hệ sinh thái” NovaGroup, còn là Chủ tịch HĐQT của CTCP Anova – doanh nghiệp quản lý 14 công ty thành viên thuộc mảng thuốc thú y, nông nghiệp, dược phẩm...

Hành trang trở lại điều hành Novaland của ông Bùi Thành Nhơn thế nào?

Doanh nhân Bùi Thành Nhơn – Sự nghiệp gắn liền với Novaland

Novaland ra đời năm 2007 khi thị trường Bất động sản đang trong giai đoạn sôi động nhất. Với vốn điều lệ ban đầu 95,3 tỷ đồng, Novaland dấn bước vào thị trường Bất động sản. Chỉ 2 năm sau đó, dự án lớn Khu dân cư phức hợp Sunrise City quận 7 về tay Novaland. Lúc này vốn điều lệ công ty đã là 1.200 tỷ đồng. Những dự án lớn liên tiếp được thực hiện như Tropic Garden quận 2, như The Prince residence quận Phú nhuận và Lexington Residen quận 2…

Với những dự án lớn, những thương vụ M&A đình đám thời đó, doanh nhân Bùi Thành Nhơn và các cộng sự đã định vị Novaland lên một tầm mới trong giới Bất động sản. Năm 2015 và 2016 công ty mở bán nhiều dự án mới, tên tuổi đi lên nhanh chóng. Các dự án mở bán năm 2015, 2016 có thể kể đến như The Sun Avenue; Golf Park; Sunrise Cityview; Dự án Sunrise Riverside Phước Kiển; Golden Mansion, Lakeview City quận 2; newton Residance quân Tân Phú; Botanica quận Tân Bình, Saigon Royal Residen e quận 4 – Bến Vân Đồn…

Rầm rộ mở bán, cũng là lúc Novaland quyết định đưa cổ phiếu NVL lên giao dịch trên sàn chứng khoán vào năm 2016, định vị tên tuổi công ty trên sàn chứng khoán. Thời điểm công bố bản cáo bạch năm 2016, danh sách các dự án đã và đang phát triển của Novaland kéo dài với con số hơn chục dự án.

Ban lãnh đạo Novaland thời điểm lên sàn, ngoài ông Bùi Thành Nhơn là chủ tịch HĐQT công ty, thì còn rất nhiều tên tuổi gắn liền với Novaland đến tận ngày nay như ông Phan Thành Huy – Tổng Giám đốc; như thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc… Vốn điều lệ Novaland lúc này hơn 5.893 tỷ đồng tương ứng 589,3 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Tại Novaland, ông Bùi Thành Nhơn xây dựng công ty phát triển nhanh chóng. Từ mức tổng tài sản đạt gần 36.300 tỷ đồng năm 2016 khi đưa cổ phiếu lên sàn, đã nhanh chóng tăng lên hơn 257.300 tỷ đồng vào năm 2022 vừa qua.

Hành trang trở lại điều hành Novaland của ông Bùi Thành Nhơn thế nào?

Tuy tổng tài sản tăng nhanh, nhưng nợ phải trả cũng tăng lên nhanh chóng. Tổng nợ phải trả đến 31/12/2021 đang là 160.660 tỷ đồng thì đã tăng lên thành 212.436 tỷ đồng vào ngày 31/12/2022. Trong cơ cấu nợ phải trả hiện nay của Novaland, có 25.500 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và 39.060 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn.

Trong số tiền vay ngắn hạn của Novaland, có 18.445 tỷ đồng vay trái phiếu ngắn hạn, 4.383 tỷ đồng Vay ngân hàng, còn lại là vay bên thứ 3. Trong tổng số dư nợ vay dài hạn, có hơn 25.700 tỷ đồng vay trái phiếu; hơn 7.600 tỷ đồng Vay ngân hàng, còn lại là vay bên thứ 3. Tổng trái phiếu ngắn hạn và dài hạn hơn 44.100 tỷ đồng.

Nói đến vay, cũng cần nói đến “có”. Báo cáo tài chính quý 3 ghi nhận tiền và tương đương tiền đến 31/12/2022 của Novaland còn 8.600 tỷ đồng, trong đó gần 3.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng và 5.600 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng. Ngoài ra công ty còn có 327 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng đến 12 tháng tại ngân hàng. Tổng tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khoảng hơn 8.900 tỷ đồng.

Lượng hàng tồn kho 134.485 tỷ đồng, tăng hơn 24.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó giá trị Bất động sản đang xây dựng gần 122.559 tỷ đồng và giá trị Bất động sản đã hoàn thành để bán cũng hơn 11.800 tỷ đồng.

“Soi” nợ trái phiếu của Novaland – nguyên nhân dẫn tới biến động

Khi Trái phiếu trở thành từ khoá “hot” sau vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, thì các doanh nghiệp Bất động sản rơi vào khó khăn do áp lực tài chính ngắn hạn. Với “sức khoẻ” tài chính của Novaland theo số liệu trên BCTC của công ty, thì nếu diễn biến bình thường, sẽ không quá áp lực.

Tuy vậy trước việc dồn dập mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp Bất động sản, trước việc thị trường Bất động sản gặp khó khăn, việc bán các sản phẩm đã hình thành gặp khó, thì những quyết sách của các lãnh đạo lúc này đang là “kim chỉ nam” giúp doanh nghiệp vượt khó.

Đối với các khoản Vay ngân hàng, Novaland còn dư nợ gần 3.400 tỷ đồng vay ngắn hạn và hơn 7.600 tỷ đồng vay dài hạn, chưa kể các khoản vay bên thứ 3 tổng hơn 10.000 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của Novaland là Ngân hàng TMCP Quân đội MB (MBB) với 3.100 tỷ đồng nợ dài hạn và 150 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Ngân hàng Hàng Hải MSB có dư nợ dài hạn 1.050 tỷ đồng và dư nợ ngắn hạn 200 tỷ đồng. Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank – CTG) có dư nợ dài hạn 1.450 tỷ đồng và dư nợ dài hạn 147 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) còn dư nợ vay ngắn hạn hơn 700 tỷ đồng. Vietcombank có dư nợ ngắn hạn 150 tỷ đồng…

Ngoài ra còn khoản vay Credit Suisse AG chi nhánh Singapore hơn 1.900 tỷ đồng ngắn hạn; The Hongkong and Sanghai Bankong gần 190 tỷ đồng ngắn hạn; vietnam Joint Stock Commercia hơn 474 tỷ đồng; Maybank hơn 474 tỷ đồng, Deutsche hơn 237 tỷ đồng…

Novaland có khoản vay trái phiếu ngắn hạn hơn 18.400 tỷ đồng đang gây áp lực tài chính lên doanh nghiệp, các lãnh đạo công ty để “chèo chống” qua giai đoạn này. Các “trái chủ”, bên nắm giữ số trái phiếu Novaland này là những ai? Báo cáo tài chính quý 4/2022 ghi nhận đối với các lô trái phiếu ngắn hạn, VPBank đang sở hữu khối trái phiếu tổng giá trị 8.100 tỷ đồng. Chứng khoán Dầu khí nắm giữ 2.000 tỷ đồng. Số trái phiếu ngắn hạn còn lại do Techcombank, Chứng khoán Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam, Chứng khoán MB, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam…

Áp lực trả nợ khiến các lãnh đạo, các doanh nghiệp phải thực hiện nhanh những biện pháp. Một trong những phương án mà các doanh nghiệp Bất động sản đang làm hiện nay là bán dự án để huy động tiền nhằm giải quyết áp lực tài chính ngắn hạn. Tháng 9/2022 Novaland bán toàn bộ phần vốn góp tại hạ tầng Sài Gòn, Khánh An và Carava Resort, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 4.500 tỷ đồng, thu lãi hơn 700 tỷ đồng chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá trị ghi sổ.

Novaland lãi năm 2022 giảm 33%

Kết qủa kinh doanh năm 2022 ghi nhận doanh thu Novaland đạt 11.352 tỷ đồng, giảm 33,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.293 tỷ đồng, giảm 33,6% so với số lãi 3.455 tỷ đồng đạt được năm 2021.

Tính đến 31/12/2022 tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 12.990 tỷ đồng. Ngoài ra công ty còn hơn 5.000 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Hành trang trở lại điều hành Novaland của ông Bùi Thành Nhơn thế nào?

Doanh nhân Bùi Thành Nhơn: Rút lui khỏi Novaland, tập trung tái cấu trúc NovaGroup

Đầu năm 2022 vừa qua Novaland bất ngờ có biến động nhân sự lớn với nội dung nhằm định hướng chuyển đổi, phát triển công ty, thay đổi nhiệm vụ. Do vậy ông Bùi Thành Nhơn thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Novaland. Đồng thời ông Bùi Xuân Huy được điều động từ vị trí Tổng Giám đốc lên làm Chủ tịch HĐQT công ty.

Rời Novaland, nhưng lý do là để tập trung vào hoạt động tại Novagroup – cổ đông lớn nhất của Novaland - nhằm tái cấu trúc toàn diện. Ông Bùi Thành Nhơn và vợ, bà Cao Thị Ngọc Sương cũng bán bớt cổ phiếu NVL, rút khỏi ghế cổ đông lớn tại Novaland – đồng thời với đó là việc Novagroup gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Novaland bằng giao dịch thoả thuận với vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn. Thay vì sở hữu trực tiếp, vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn sử dụng hình thức sở hữu gián tiếp cổ phiếu NVL thông qua NovaGroup.

NovaGroup đang cùng làm việc với các đơn vị tư vấn hàng đầu như EY Việt Nam, KPMG…để có đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra giải pháp tái cấu trúc toàn diện.

Bước đầu tiên NovaGroup đàm phán thành công với các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính lớn tham gia nhận chuyển nhượng một phần vốn tại Novaland. Trước đó dự kiến Novagroup sẽ bán bớt 150 triệu cổ phiếu NVL, thời gian từ 30/11 đến 29/12/2022 nhằm thực hiện tái cấu trúc toàn bộ Tập đoàn. Nguồn vốn thu được nhằm xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn. Tuy vậy hết thời gian, Novagroup bán được gần 98 triệu cổ phiếu, thu về khoảng 2.000 tỷ đồng.

Doanh nhân Bùi Thành Nhơn – hành trình quay trở lại Novaland

Sau khi ông Bùi Thành Nhơn rời đi không lâu, phương án tái cấu trúc được đưa ra, Tập đoàn Novaland lại thực hiện việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi cơ cấu Thành viên HĐQT, điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 và bầu lại Thành viên HĐQT.

“Rào” trước việc này, Novaland chia sẻ việc công ty đang cùng các đối tác, cổ đông và đội ngũ chuyên gia của EY - Parthenon, Red Capital, Công ty luật YKVN … đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện. Theo đề án tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland.

Kết thúc hành trình rời đi và quay trở lại, mới đây ngày 3/2/2023 Novaland công bố quyết định bổ nhiệm ông Bùi Thành Nhơn vào lại vị trí Chủ tịch HĐQT Novaland.

Trước đó ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ “Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch HĐQT và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là Doanh nhân - chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức. Vì trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến. Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục toả sáng khắp các tỉnh thành, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, tiếp tục góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”.

Hành trang trở lại điều hành Novaland của ông Bùi Thành Nhơn thế nào?

Những thông tin tích cực từ việc Novaland liên tục mua lại các lô trái phiếu trước hạn đã làm an lòng một số nhà đầu tư. Trên thị trường cổ phiếu NVL đã thường xuyên xuất hiện những phiên thanh khoản lớn, nhiều phiên có những giao dịch hàng chục triệu cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu NVL đã thoát khỏi chuỗi những phiên giảm sàn liên tục trắng bên mua. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay NVL đã tăng được khoảng 10% từ vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu lên 15.400 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa doanh nghiệp đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” Nova “nhỡ bước” lên sàn

Trước đó Tập đoàn Nova Consumer đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết gần 120 triệu chứng khoán tại HoSE với mã chứng khoán NCG. Nếu lên sàn thành công, “hệ sinh thái” của ông Bùi Thành Nhơn sẽ có thêm 1 doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu trên sàn.

Nói về cái tên Nova Consumer, có thể nhiều nhà đầu tư sẽ chưa quen dù đọc từ đầu bài. Nova Consumer chính là CTCP Anova đổi tên từ năm 2021 nhằm xây dựng chiến lược đa dạng hoá ngành nghề, từ nông nghiệp đến hàng tiêu dùng.

Tính đến 30/9/2022 tổng tài sản của Nova Consumer đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả 2.000 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.233 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 159 tỷ đồng. Vốn điều lệ gần 1.200 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu năm 2022 đạt 4.880 tỷ đồng, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm 6,3% xuống còn 298 tỷ đồng. “Của để dành” của Nova Consumer rất lơn, tính đến 30/9/2022 Nova Consumer còn 1.250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn 70 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và 426 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Tuy vậy cuối năm 2022 Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo dừng xem xét hồ sơ của Nova Consumer do công ty chưa bổ sung hồ sơ chỉnh sửa, hoàn chỉnh theo yêu cầu. Nova Consumer đã “nhỡ bước” lên sàn.

Doanh nhân Bùi Thành Nhơn: Gia đình của những tỷ phú

Những người thân trong gia đình doanh nhân Bùi Thành Nhơn cũng có người nổi danh cùng Novaland. Em trai ông, ông Bùi Đạt Chương, là Phó Giám đốc của Novaland.

Nhưng người nổi danh nhất phải nói đến thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân. Vị thiếu gia sinh năm 1982 này đã theo nghiệp cha, đồng hành cùng Novaland từ nhiều năm nay, từng nắm giữ vị trí cao tại Tập đoàn là Phó Chủ tịch HĐQT và là Phó Tổng Giám đốc của Novaland. Cũng có thời điểm khối tài sản ông Bùi Cao Nhật Quân nắm giữ là cổ phiếu NVL có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước khi về làm việc tại NovaGroup, ông Bùi cao Nhật Quân từng là chuyên viên tài chính tại Pepsico Việt Nam trong 3 năm từ 2002-2004. Còn tại hệ sinh thái NovaGroup, ngoài các vị trí cao tại Novaland, ông Bùi cao Nhật Quân còn kinh qua nhiều chức vụ các tại các công ty thành viên.

Hành trang trở lại điều hành Novaland của ông Bùi Thành Nhơn thế nào?

Con trai ông Bùi Thành Nhơn.

Đồng hành cùng ông Bùi Thành Nhơn còn có vợ ông, bà Cao Thị Ngọc Sương. Trên thương trường, bà Sương không nắm giữ những chức vụ quan trọng tại NovaGroup hay Novaland. Tuy vậy tên tuổi vợ chồng ông luôn được nhắc tới với nhau nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là việc bà Ngọc Sương thường xuyên nắm giữ lượng lớn cổ phiếu NVL. Khối tài sản của bà Ngọc Sương nắm giữ cũng lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.

Bà Ngọc Sương cũng nổi tiếng là người thường xuyên có nhiều giao dịch lượng lớn cổ phiếu NVL. Năm 2019 từng có thời điểm bà chi khoảng 2.200 tỷ đồng để mua thêm gần 40 triệu cổ phiếu NVL. Mới đây nhất bà cùng ông Bùi Thành Nhơn rời ghế cổ đông lớn của Novaland, chuyển nhượng cổ phần sang NovaGroup.

Ông Bùi Thành Nhơn được biết đến là người dẫn dắt Novaland từ doanh nghiệp nhỏ đến Tập đoàn Bất động sản lớn như hiện nay, thì cũng thường xuyên được nhắc đến trên thị trường giao dịch cổ phiếu. Vị doanh nhân này hầu như chỉ giao dịch mua bán cổ phiếu NVL với số lượng lớn. Các giao dịch của ông luôn làm các nhà đầu tư chú ý.

Nguồn: https://cafeland.vn/