Hành trình từ vắt mì đến đế chế tỷ đô của doanh nhân Việt
Trước khi khẳng định vị thế của mình trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản tại thị trường trong nước, những vị tỷ phú này đều có khởi đầu từ việc kinh doanh sản phẩm mì gói.
Chủ tịch Tập đoàn Vin Group
Ông Phạm Nhật Vượng sinh ra trong một gia đình có ba người anh em. Nhờ vào thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng đã giành được một suất học bổng du học. Năm 1987, ông được chọn đi du học tại Matxcơva. Tại đây, ông học về chuyên ngành kinh tế và địa chất. Năm 1993, ông tốt nghiệp Học viện địa chất Matxcơva.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vin Group.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Vượng ở lại nước ngoài lập nghiệp và lập nên thương hiệu mì gói Mivina tại Ukraina. Loại mì này nhanh chóng nổi tiếng. Sau đó, ông vay thêm tiền với lãi suất 8%/tháng để mở rộng sản xuất.
Năm 2009, ông Phạm Nhật Vượng bán công ty của mình. Khi quay về Việt Nam, ông không tiếp tục sản xuất mì mà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch với thương hiệu Vinpearl tại Nha Trang và lĩnh vực bất động sản thương mại với thương hiệu Vincom tại Hà Nội. Sau hơn 10 năm "khởi nghiệp" ở Việt Nam, doanh nhân họ Phạm đã xây dựng được một hệ sinh thái khổng lồ.
Năm 2015, tổng tài sản của ông Vượng đạt 1,65 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes. Ông là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam với vốn hóa của Vingroup vượt 3 tỷ USD. Ông được ví là “Donald Trump Việt Nam”. Ngoài bất động sản, Vingroup còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác trong đó có các dự án giáo dục và tham gia làm từ thiện.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản Vingroup đạt 574.807 tỷ đồng, tăng 34% so với 31.12.2021. Lợi nhuận trước thuế trong 2022 đạt 12.694 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.982 tỷ đồng.
Chủ tịch VP Bank - Ngô Chí Dũng
Ông Ngô Chí Dũng là kỹ sư địa chất công trình tại Liên bang Nga và là tiến sỹ kinh tế Viện nghiên cứu chiến lược chính trị thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga.
Thời gian ở Nga, ông Dũng và người bạn của mình là ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam - VIB) đã sáng lập ra thương hiệu mì Rollton nổi tiếng nước Nga cho đến nay.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank.
Trước khi làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vào tháng 3.2010 đến nay, ông Dũng từng giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Techcombank (từ 2006 đến 2010).
Ông cũng là cổ đông sáng lập VIB giai đoạn 1996 - 2004, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư Liên Minh (2005-2007) và là Chủ tịch công ty này từ 2007 đến 2010, Chủ tịch HĐQT tập đoàn KBG (Liên bang Nga, từ 2007 đến 2009) và làm việc tại công ty chứng khoán EuroCapital trên cương vị thành viên HĐQT từ năm 2009 đến thời điểm hiện tại.
Tính đến ngày 31.12.2022, quy mô tổng tài sản của VPBank đạt 631.073,6 tỉ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Lũy kế cả năm 2022, VPBank báo lãi ròng ở mức 16.923,7 tỉ đồng, tăng 47,4% so với năm 2021.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB)
Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ sinh năm 1968, tại Nghệ An. Ông Vỹ tốt nghiệp kỹ sư Mỏ địa chất, Đại học Đại chất Moscow S.Ordzhonikidze và tiến sỹ Kinh tế, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Quốc tế, Viện khoa học Nga.
Năm 1992, ông Vỹ cùng với ông Dũng (Chủ tịch HĐQT VPBank) thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Liên bang Nga và được biết đến là "ông trùm" mỳ ăn liền tại thị trường Nga với thương hiệu mỳ Rollton, Chủ tịch Tập đoàn Future Generation Group.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB.
Năm 1999, ông Đặng Khắc Vỹ tham gia sáng lập ra Tập đoàn Mareven Food Holding Limited - công ty mẹ của Mareven Food Central, đơn vị nắm 46% thị phần mì gói của Nga.
Khác với những Việt kiều Nga khác, ông Đặng Khắc Vỹ đã không bán hết cơ ngơi để hồi hương mà chọn con đường riêng của mình. Năm 1996, ông Đặng Khắc Vỹ và một số Việt kiều Nga thành lập Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với số vốn ban đầu 50 tỷ và 23 nhân viên
Sau 25 năm, VIB dưới sự chèo lái của ông Vỹ ngày càng phát triển và cũng từ đó "mạng nhện" trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp liên quan vị chủ tịch này cũng theo đó mà chằng chịt hơn.
Đầu tiên phải kể đến cái tên Nettra hay còn được biết đến là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế, được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 1.200 tỷ đồng.
Năm 2013 Nettra được biết đến là cổ đông lớn sở hữu 14,99% cổ phần VIB. Năm 2014, Nettra chuyển thành công ty con của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng (Viethung Food). Nay chính là Công ty CP Uniben - chủ sở hữu nhãn hiệu mì 3 Miền. Tháng 6.2021, Uniben được biết đến sở hữu 4,7% vốn của VIB.
Theo đó, quan hệ iữa Uniben và VIB không chỉ dừng lại ở việc chung cổ đông lớn, góp vốn qua lại mà còn cả quan hệ tín dụng. Nhiều khoản cho vay của Uniben được chính Hội đồng quản trị VIB xét duyệt, đơn cử như với các Nghị quyết 23/2013, 91/2013, 102/2013…
Tháng 12.2019 Uniben bắt đầu phát hành riêng lẻ trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng thời hạn 36 tháng, được đảm bảo bằng cổ phiếu VIB thuộc sở hữu của Uniben. Tháng 3.2020, 500 tỷ đồng trái phiếu của Uniben đã được 1 tổ chức mua.
Dữ liệu tài chính thể hiện, Tính đến 31.12.2022, tổng tài sản của VIB tăng 11% so với đầu năm, lên mức 343.069 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 60% (còn 10.063 tỷ đồng), tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác tăng 85% (51.899 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 15% (231.944 tỷ đồng)… tiền gửi khách hàng cũng tăng 15% so với đầu năm, đạt mức 200.123 tỷ đồng.
Về chất lượng dư nợ cho vay của VIB, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 tăng gần 22% so với đầu năm, đạt mức 5.686 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.319 tỷ đồng (đầu năm) lên 2.436 tỷ đồng (cuối năm). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của VIB nhích từ mức 2.32% (đầu năm) lên 2.45% (cuối năm).
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang
Ông Nguyễn Đăng Quang được biết đến là một tiến sĩ Vật lý nhưng lại nổi tiếng với mì gói tại Nga. Những năm đầu thập niên 1990, ông Nguyễn Đăng Quang bắt đầu bán mì ăn liền cho người Việt tại Nga, và xây dựng nhà máy đầu tiên với công suất 30 triệu gói/tháng, sản xuất mì, nước tương, nước mắm, tương ớt bán cho người bản xứ.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan.
Năm 2002, ông Quang trở về quê nhà và đến thời điểm hiện tại, trong số những doanh nghiệp thành công với mì gói tại Đông Âu, hiện chỉ có Tập đoàn Masan là tiếp tục kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam.
Trong năm 2019, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận doanh thu 38.819 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.365 tỷ, tăng hơn 13% so với con số thực hiện năm 2018. Dấu ấn đậm nét nhất của Masan trong năm 2019 thể hiện ở vụ mua bán sáp nhập đình đám giữa tập đoàn này với mảng bán lẻ của Vingroup.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Masan biến thách thức thành cơ hội bứt phá. Masan đã thể hiện năng lực quản trị, vận hành vượt trội, các doanh nghiệp “họ” Masan duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân cả nước trong mọi hoàn cảnh.
Trong năm 2022, Masan mở rộng quy mô chuỗi WinMart+ thêm 700 - 1.000 điểm bán, nâng tổng số siêu thị mini lên 3.300 - 3.600 điểm trước cuối năm 2022. Masan có kế hoạch chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall.
Tính đến ngày 31.12.2022, tổng tài sản của Masan đạt 141.342 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền đang có là 17,512 tỷ đồng vào cuối năm 2022, giảm 23% so với đầu năm, do việc mua cổ phần PLH (Phúc Long Heritage) và Nyobolt (Nyobolt Limited).
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất