'Hậu COVID' và bệnh tâm lý
Thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều đến cụm từ “hậu COVID” đến mức khiến cho những F0 như tôi hết sức hoang mang.
Tôi bị nhiễm COVID - 19 khoảng 5 ngày thì âm tính, không có triệu chứng gì đáng kể, thi thoảng húng hắng ho. Đồng nghiệp khuyên tôi nên đi khám “hậu COVID”. Rằng thì là, không chủ quan được đâu, di chứng để lại mệt mỏi đấy! Có người còn hỏi tôi: “Có thấy hay cáu gắt, mất ngủ và rụng tóc không?”; hay “Có thấy thở dốc mỗi lần leo cầu thang không?”. Tôi không biết trả lời thế nào, vì đó là những triệu chứng mà khi chưa bị nhiễm COVID - 19 thi thoảng tôi vẫn gặp phải.
Trên các diễn đàn về sức khỏe, nhiều câu hỏi liên quan đến “hậu COVID” cũng được đặt ra. Các chuyên gia, kể cả chuyên gia y tế thế giới luôn nhắc nhở người bệnh rằng, đó là những triệu chứng hết sức thông thường.
Tôi tâm đắc ý kiến của một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm rằng, khó thở, dễ hồi hộp… sau khi mắc COVID khỏi bệnh xảy ra với nhiều lý do, nhưng lo lắng thái quá là một trong những nguyên nhân khiến bệnh biểu hiện rõ ràng hơn. Vì đó chính là bệnh tâm lý.
Đúng thế, tâm lý đang lấn át bệnh lý trong thực trạng nhà nhà F0, người người F0. Trước tâm lý lo sợ “hậu COVID”, nhiều người thậm chí đã tìm đến các thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng bổ phổi. Các loại vitamin xách tay thông thường, bây giờ cũng được người bán “chêm” thêm câu “hồi phục sức khỏe sau khi mắc COVID-19”.
Trong khi đó, ở các bài tư vấn cho F0 của các bác sĩ có chuyên môn, kể cả online hay trực tiếp đưa ra cảnh báo: Không có loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào có tên gọi là “bổ phổi” đâu. Tổn thương phổi sau khi mắc COVID là có thật, tuy nhiên, người bệnh không nên tuỳ tiện dùng thuốc. Điều này xem ra ít người để ý.
“Từ trước đến nay, trong quá trình tư vấn và điều trị bệnh nhân F0, chúng tôi vẫn khuyên họ tập thở, đây cũng là cách phục hồi tốt nhất. Cùng với luyện tập chính cần thêm chế độ dinh dưỡng khoa học và chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đừng thần thánh hoá các loại thuốc bổ được bán tràn lan trên mạng”, một bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID - 19 ở TPHCM nói với tôi.
Vị này cũng nhấn mạnh, đối với người bệnh, khi cần bổ sung một số chất mà cơ thể thiếu hụt, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm để biết được người đó thừa thiếu bao nhiêu, cần bổ sung liều lượng thế nào, nhóm nào thì phù hợp. Chứ không phải cứ thiếu máu là uống viên sắt, khó thở thì uống “bổ phổi” là thở được…
Nhiều chuyên gia cũng đã phản ánh về thực trạng làm quá lên câu chuyện “hậu COVID” trên mạng xã hội để bán thuốc, để khám bệnh. Thực tế, sau khi mắc COVID, có nhiều người cảm thấy cơ thể ốm yếu, hụt hơi, leo cầu thang thở dốc, mất ngủ… tất cả những triệu chứng đó là hoàn toàn bình thường của một cơ thể vừa trải qua cơn bệnh, các triệu chứng sẽ hết dần khi thể trạng hồi phục.
Thay vì tự diễn biến về những triệu chứng thông thường, chúng ta cần dành thời gian đưa cuộc sống của mình về quỹ đạo bình thường vốn có như thế sẽ mất dần “hậu COVID”.
Nguồn Tienphong.vn
https://tienphong.vn/hau-covid-va-benh-tam-ly-post1424607.tpo
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí