Hết khan cung, cổ phiếu xăng dầu sẽ nóng
Khi các giải pháp cân đối cung - cầu xăng dầu đạt hiệu quả thì nhóm cổ phiếu xăng dầu sẽ càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Nỗi lo mất cân đối cung - cầu
Thị trường xăng dầu trong nước đang đứng tình trạng mất cân đối về cung - cầu. Thời gian gần đây, nhiều đại lý, cửa hàng đóng cửa hoặc thông báo tạm hết hàng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành, nguồn cung xăng dầu trong nước lâu nay chủ yếu đến từ hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn), với tỷ lệ khoảng 75%. Trong đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) chiếm 35% nguồn cung. Vì vậy, khi nhà máy này giảm cắt công suất hoạt động, thị trường đã bị ảnh hưởng.
Từ cuối năm 2021, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã công bố cắt giảm công suất, thậm chí có nguy cơ tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn về tài chính. Lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã lên tới hơn 60.000 tỷ đồng, vượt quy mô vốn chủ sở hữu.
Khi nguồn cung trong nước sụt giảm, việc bù đắp bằng nguồn cung nhập khẩu phải theo hợp đồng kỳ hạn, không phải đặt mua ngay là có, dẫn đến sự gián đoạn về nguồn cung cục bộ.
Bên cạnh câu chuyện giảm công suất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, theo các chuyên gia trong ngành, nguồn cung trên thị trường xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng của việc một số đại lý găm hàng để chờ kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 11/2.
Điều này xuất phát từ thực tế giá bán lẻ xăng dầu ở thị trường trong nước chưa cập nhật đà tăng của giá xăng dầu trên thị trường thế giới cũng như giá nhập về trong kỳ điều chỉnh từ ngày 21/1/2021.
Hiện giá dầu thô trên thị trường thế giới đang ở quanh ngưỡng 90 USD/thùng và đang hướng tới mốc 100 USD/thùng, tăng hơn 20% so với hai tháng trước.
Trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu ở thị trường trong nước bị ảnh hưởng, đại diện Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cho biết, Công ty tăng công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ trước Tết Nguyên đán lên 103% và hiện là 107% để đảm bảo giao hàng cho các hợp đồng đã ký, thậm chí tăng hơn 15% sản lượng so với cam kết.
Đại diện Petrolimex cho biết, tình hình cung - cầu hiện nay có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, tuy vậy, Petrolimex vẫn đảm bảo nguồn cung cho các cửa hàng nhượng quyền, hệ thống phân phối.
Khẳng định nguồn cung xăng dầu thực tế vẫn đảm bảo, một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, mấu chốt cho lời giải bài toán cân đối cung - cầu của thị trường nằm ở việc điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời với diễn biến giá thế giới. Việc cung ứng xăng dầu trong nước sẽ trở lại bình thường, việc khan hiếm xăng dầu sẽ hạ nhiệt và không còn tình trạng găm hàng chờ giá lên mới bán.
Doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi
Nhiều giải pháp cân đối cung - cầu trên thị trường xăng dầu đã được Bộ Công thương và các đơn vị liên quan đưa ra. Về nguồn cung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), một trong bốn bên tham gia liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang nỗ lực đàm phán với các đối tác góp vốn còn lại về giải pháp tái cấu trúc tổng thể Nhà máy nhằm duy trì hoạt động nhà máy an toàn, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Lãnh đạo PVN khẳng định, những vướng mắc trước mắt của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang được tháo gỡ và dự kiến từ giữa tháng 2/2022, Nhà máy sẽ dần khôi phục sản xuất. Ngay khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khôi phục hoạt động và Nhà máy Dung Quất tiếp tục duy trì việc vượt công suất, thị trường sẽ bình ổn trở lại.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, nguồn cung xăng dầu hoàn toàn đảm bảo nhu cầu trong nước. Dẫn chứng là trong tháng 1, sản lượng xăng dầu do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cung cấp tăng so với cam kết hợp đồng là 18%, nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt 12%.
PVN cũng chỉ đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn liên tục tăng công suất lên mức tối đa là 108%, tương ứng tăng thêm 30.000 m3/tháng, đồng thời chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) nhập khẩu và dự kiến ngày 22/2/2022 sẽ về 70.000 m3 xăng dầu.
Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế điều hành giá xăng dầu phù hợp, linh hoạt hơn với thị trường.
Để hạn chế tình trạng găm hàng chờ tăng giá, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế điều hành giá xăng dầu phù hợp, linh hoạt hơn với thị trường. Theo đó, có thể kỳ điều chỉnh với tần suất dày hơn để giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới.
Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết. Về lâu dài, kiến nghị xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu. Cơ chế này nếu được thông qua sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu.
Theo chia sẻ của ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR, năm 2022, Công ty phấn đấu vượt ít nhất 10% các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, BSR tranh thủ nhu cầu thị trường tăng cao và đà tăng của giá dầu thế giới đã tăng công suất nhà máy. Cụ thể, Công ty nhập 8 lô hàng với hơn 684.000 tấn, tương đương hơn 5.170.000 thùng dầu thô, sản xuất đưa ra thị trường hơn 680.000 tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đạt 115% kế hoạch.
Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch công suất vận hành trung bình đạt 103%, công suất từng giai đoạn có thể lên mức 105 - 107%. Đáng chú ý, dù đang có lợi thế lớn về thị trường, nhưng BSR đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm là 1.450 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số hơn 6.000 tỷ đồng ghi nhận trong năm ngoái.
Cùng với câu chuyện mất cân đối cung - cầu trên thị trường xăng dầu cũng như giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí có sự bứt phá từ đầu năm tới nay. Cụ thể, cổ phiếu BSR ngày 10/2 có thị giá 27.300 đồng/cổ phiếu, tăng 13,7% so với ngày 5/1/2022. Cùng thời điểm, cổ phiếu PLX tăng 8,2%, đóng cửa phiên 10/2 ở mức 60.500 đồng/cổ phiếu…
Biến động tăng mạnh của giá dầu thế giới là động lực cho nhóm cổ phiếu dầu khí tăng trong những ngày đầu tháng 2. Cổ phiếu nhóm này còn được kỳ vọng tiếp tục sáng trong tháng 3 cùng triển vọng của giá dầu chưa hạ nhiệt.
Giới phân tích cũng đánh giá nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ tiếp tục dẫn sóng tăng trưởng trong quý I/2022 và đem lại cơ hội tốt cho nhà đầu tư.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/het-khan-cung-co-phieu-xang-dau-se-nong-post291140.html
- Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm
- Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ