Hiểm họa khi giới trẻ ''nghiện'' chát chít trên mạng
Tìm kiếm trong lịch sử sử dụng điện thoại hoặc sử dụng máy tính có mạng internet của lớp trẻ, thanh thiếu niên hiện nay, rất nhiều trường hợp sử dụng từ 9 đến 16 giờ mỗi ngày. Trong đó, có những thanh thiếu niên nghiện tán chuyện phiếm (chát chít) với bạn bè, người quen, bạn ảo trên mạng. Hệ lụy đáng buồn là nhiều bạn trẻ phải điều trị bệnh về tâm lý do nghiện sử dụng điện thoại, một số trường hợp còn bị lừa và sa ngã đáng tiếc.
Chuyên gia tâm lý tư vấn cho trẻ tại Công ty TNHH Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý DR.PSY.
Thực trạng đáng lo
Kể lại câu chuyện của bạn thân vừa bị lừa trên mạng, Nguyễn Quốc Văn, học sinh lớp 9 một trường phổ thông cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, thời gian qua, bạn của Văn rất vui vẻ vì quen được một bạn gái xinh xắn cùng chơi game trên mạng internet. “Mỗi ngày bạn ấy nhắn tin, nói chuyện với bạn gái trên mạng xã hội đến 13 giờ đồng hồ. Tuy nhiên sau một năm quen biết qua mạng, khi gặp mặt bạn ấy mới "vỡ mộng" vì bạn gái lấy ảnh trên mạng để lừa”, Văn chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều bạn trẻ dán mắt vào điện thoại, máy tính nên không có thời gian học tập, giao tiếp với người khác cũng như ngại làm việc nhà, thậm chí vệ sinh cá nhân cũng phải để nhắc nhở. Không ít bạn trẻ như Lê Hoàng Linh, học sinh lớp 9, nhà ở phường Láng Hạ (quận Đống Đa) ngồi miệt mài hàng tiếng đồng hồ để trả lời các bình luận mà Linh đăng trên TikTok. Linh vui mừng khi nhận được lời khen và tâm trạng trở nên tức tối khi bị ai chê bai. Lâu dần, Linh nghiện đăng TikTok và luôn sống cùng những lời “chát chít” ảo.
Khảo sát thực trạng đáng lo này tại một số quán internet trên địa bàn Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, đối tượng nghiện chát chít chủ yếu là trẻ ở lứa tuổi 15, 16 và thanh niên mới lớn. Tại quán Gaming, ngõ 18 Kiều Mai, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), những học sinh độ tuổi trung học phổ thông đang say sưa gõ bàn phím. Những âm thanh hỗn độn của tiếng cười nói, chửi bậy, xen lẫn tiếng hét, hò reo của những đứa trẻ chơi game khiến quán internet trở nên sôi động hơn bao giờ hết...
Chị Nguyễn Thị Hải, nhân viên của quán cho biết, khách hàng đa số là học sinh, sinh viên, có khách ngồi 10 tiếng đồng hồ vẫn chưa muốn đứng lên. Mọi giao tiếp như trò chuyện, chơi game đều thông qua màn hình máy tính. “Thậm chí, nhiều bạn nữ trốn ra quán internet để chát chít với bạn trai do bị bố mẹ cấm sử dụng điện thoại. Giá mỗi lần sử dụng internet công cộng khá rẻ (2.500-3.000 đồng/giờ), nên rất hấp dẫn các bạn trẻ”, chị Hải chia sẻ.
Những hệ lụy khó lường
Hệ lụy khó lường đằng sau tình trạng “nghiện” chát chít trên điện thoại, máy tính của các bạn trẻ được chứng minh bằng những ca khám, điều trị do bị rối loạn tâm lý của giới trẻ tại các trung tâm tâm lý, bệnh viện. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý DR.PSY, mỗi ngày công ty nhận được nhiều lượt đăng ký tư vấn, chủ yếu là những người có biểu hiện trầm cảm, lo âu... do sử dụng điện thoại, máy tính.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, thời gian qua, bệnh viện có tiếp nhận một số bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh, sinh viên vào điều trị trong trạng thái rối loạn tâm lý, trầm cảm vì "nghiện" chát chít trên điện thoại di động, máy tính. Bên cạnh đó, số lượng các cuộc gọi đến đường dây nóng, đến số máy phòng khám của bệnh viện, các bác sĩ điều trị đề nghị được tư vấn về sức khỏe tâm thần tăng. Trong đó khoảng 40-50% các cuộc gọi cần hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe tâm thần cho lứa tuổi học sinh các cấp.
Bên cạnh những hệ lụy nêu trên, tình trạng nghiện “chát chít” cũng gây hậu quả khôn lường cho giới trẻ. Đại úy Phạm Đức Ngọc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an quận Hai Bà Trưng) cho biết, 2 ứng dụng TikTok và Zalo đã được cảnh báo dễ truy cập, có thể lấy đi rất nhiều thông tin nhạy cảm mà người dùng đã sao chép vào đó. Các thông tin này có thể là mật khẩu, số điện thoại, email hay thậm chí là mã thẻ ngân hàng. Đối với giới trẻ, mải mê “chát chít” trên mạng xã hội có thể để lộ nhiều thông tin cá nhân và sa đà vào những thông tin độc hại không kiểm soát.
Theo Đại úy Phạm Đức Ngọc, nhiều trường hợp do sử dụng các mạng xã hội quá mức dẫn đến không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. Dường như toàn bộ tâm trí các em đã bị chính thế giới ảo siết chặt và rất khó thoát. Nhẹ thì sinh ra hiện tượng tự kỷ, ảo giác, ám ảnh… Còn nếu không kiểm soát được, các em dễ bị lôi cuốn, học theo những điều xấu như sống ảo, coi trọng vật chất. Nếu không được đáp ứng, nhiều đám trẻ rủ rê, lôi kéo nhau để phạm tội; nhiều băng nhóm phạm tội bị công an triệt phá thời gian qua cho thấy, các gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn đến việc sử dụng mạng xã hội của con em, học sinh, có định hướng thông tin để các em không bị sa đà vào thông tin xấu, độc hại... Mặt khác, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội cũng cần chặt chẽ hơn...
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3