Hiến kế đổi mới, nâng chất giám sát, phản biện xã hội

Chủ nhật, ngày 30 tháng 7 năm 2023 | 14:27

tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều ý kiến đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được, nhận diện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đó đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Giám sát đến cùng, phản biện đến cùng

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, báo cáo đã nêu khái quát, toàn diện kết quả phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN. Từ nội dung Nghị quyết liên tịch, hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn bám sát kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam; luôn nghiêm túc, trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét, nghiên cứu các kiến nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đặc biệt là những kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân để có tiếp thu, chỉnh lý.

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ông Ngô Trung Thành, trong bối cảnh mới, nhiệm vụ đặt ra trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tập trung hơn nữa vào công tác giám sát, phản biện xã hội và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm rõ những vướng mắc trong thể chế, các văn bản pháp luật cụ thể, chỉ ra từng bất cập trong quy định hiện hành nhằm giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Nhấn mạnh tới việc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy trình giám sát, phản biện cần được thực hiện xuyên suốt trong tất cả các khâu, nếu chỉ thực hiện giám sát, phản biện xã hội tại giai đoạn dự thảo thì khó đạt được hiệu quả cao, vì vậy, ông Ngô Trung Thành đề xuất việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam cần bao quát trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đơn cử UBTƯ MTTQ Việt Nam có thể tham gia các khâu như thẩm tra, chỉnh lý trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Song song với đẩy mạnh phối hợp công tác giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Ngô Trung Thành kiến nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan của Quốc hội, giám sát đến cùng, phản biện đến cùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đối với hoạt động xây dựng luật của Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến phát biểu tham luận từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến phát biểu tham luận từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Vinh.

Từ điểm cầu địa phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến đã chia sẻ về những đổi mới, sáng tạo, bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của Mặt trận thành phố; đồng thời kiến nghị các giải pháp hoàn thiện công tác giám sát, phản biện xã hội

Nêu các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 403, bà Trần Kim Yến cho rằng, trong thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng.

“MTTQ các cấp cần tập trung giám sát phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân” bà Yến nói và đề xuất giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà Mặt trận đã kiến nghị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Cũng theo bà Trần Kim Yến, để hoạt động giám sát, phản biện xã hội hiệu quả thì cần nghiên cứu kinh phí hỗ trợ tương xứng trong phát huy vai trò và trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Cùng với đó, cần xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành Luật, trong đó cần quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản Quy phạm pháp luật, đồng thời cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát.

Nắm bắt dư luận để lựa chọn nội dung giám sát, phản biện

Nói về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhận định, qua thực tiễn càng xuống cấp dưới, công tác giám sát, phản biện xã hội càng khó khăn, lúng túng, chưa có nhiều phát hiện sau giám sát, mới chỉ dừng ở phát hiện, nêu ý kiến. Nhiều kiến nghị còn chung chung, không nêu rõ cơ quan thực hiện, giải quyết kiến nghị, chưa có cơ sở đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Từ những những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cho rằng trong thời gian tới cần phát huy vai trò chủ trì hiệp thương của MTTQ trong xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải lựa chọn đa dạng các hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trong suốt quá trình giám sát, phản biện xã hội. Huy động, tận dụng hoạt động truyền thông, dư luận xã hội vào công tác giám sát, phản biện xã hội, nhằm phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 18 của Ban Bí thư. Cấp ủy các cấp cần có quy định cụ thể về quy chế làm việc giữa cấp ủy với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp về công tác giám sát, phản biện xã hội. Có nghị quyết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp thu và thực hiện các kiến nghị giám sát của Mặt trận.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

“Cần nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp với giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội để vừa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả giám sát, tránh chồng chéo, cùng một nội dung, nhiều đoàn giám sát; đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam tập trung vào việc bổ sung chế tài trong công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận, xứng đáng là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân”, ông Nguyễn Sỹ Trường kiến nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Trường, để hoạt động giám sát được hiệu quả, cấp ủy cần chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp và tạo điều kiện cho công tác giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt chú trọng đến việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị sau giám sát; đồng thời cần tăng thêm biên chế cho bộ máy MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nhằm đảm bảo triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng như triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ đó có chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ; sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường, luân chuyển, rèn luyện cán bộ theo đúng quy định, kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu làm công tác Mặt trận.

NGUON TRANG PB