Việc sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến đang dần trở thành thói quen của người dân. Ảnh tư liệu. |
Hoàn thiện nhiều văn bản quan trọng
Trong tháng 7/2024, một số văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động thanh toán đã được ban hành, từ đó củng cố thêm cho hệ thống pháp luật lĩnh vực này, giúp hoạt động thanh toán được phát triển lành mạnh, an toàn hơn. Đồng thời, kỳ vọng có thể đẩy lùi tội phạm công nghệ, vốn là một trong những nỗi lo lắng lớn của các ngân hàng lẫn người dân sử dụng dịch vụ thời gian qua.
Một trong những văn đáng chú ý là Thông tư 40/2024/TT-NHNN (Thông tư 40) của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, văn bản này có nhưng nội dung mới về các hình thức nạp tiền vào ví điện tử. So với các quy định cũ, Thông tư 40 đã mở rộng các hình thức nạp tiền, qua việc cho phép khách hàng có thể nạp tiền thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác ngoài hệ thống.
Tương tự như nạp tiền, Thông tư 40 cũng đã bổ sung thêm quy định cho phép khách hàng có thể chuyển tiền đến các ví điện tử khác ngoài hệ thống. Văn bản này đưa ra quy định mỗi khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ chỉ được phép thực hiện giao dịch chuyển tiền và thanh toán trong hạn mức cho phép.
Cũng trong lĩnh vực thanh toán, một văn bản quan trọng khác cũng mới được ban hành trong tháng 7 là Thông tư 41/2024/TT-NHNN (Thông tư 41) quy định về giám sát và thực hiện giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng; giám sát và thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thông tư 41 đã đưa ra các quy tắc cơ bản phục vụ cho việc giám sát. Trong đó, đơn vị giám sát thực hiện giám sát hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thông qua các biện pháp như theo dõi hoạt động của hệ thống; kiểm tra tại chỗ đối với hệ thống; cảnh báo, khuyến nghị trong giám sát hệ thống…
Trước khi các văn bản trên được ban hành, tháng 7/2024, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt cũng vừa chính thức có hiệu lực. Luật sư Trần Xuân Đông - Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Vị Dương cho biết, một trong những điểm đáng chú ý trong Nghị định số 52/2024/NĐ-CP là các quy định về các hành vi bị cấm quy định trong thanh toán không tiền mặt.
Tiếp tục củng cố các giải pháp an toàn
Việc sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến đang dần trở thành thói quen của người dân và theo đó, các yêu cầu về tính an toàn bảo mật và đảm bảo giao dịch thông suốt cũng ngày một khắt khe hơn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Số liệu hoạt động thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2024 so với 6 tháng 2023 cho thấy: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị, qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị.
Cùng với việc ban hành một loạt các văn bản pháp lý và thực hiện xác thực sinh trắc với giao dịch giá trị lớn theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp tiếp theo để gia tăng các lớp bảo mật và đảm bảo giao dịch an toàn hơn trong thanh toán.
Hiện nay, cơ quan này vẫn tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin thuộc Ngân hàng Nhà nước, ngoài các giải pháp nêu trên, thời gian tới ngành Ngân hãng cũng sẽ triển khai các giải pháp để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, áp dụng các biện pháp pháp xác thực mạnh, trong đó sẽ có biện pháp giám sát giao dịch bất thường để xử lý ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng này đã triển khai xác thực qua công tác định danh cá nhân VNeID và thời gian tới ngân hàng này sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Công an khai thác các tính năng từ cổng định VNeID để theo dõi giám sát, nhằm hỗ trợ thực hiện các ứng dụng phục vụ cho hoạt động thanh toán an toàn thông suốt.
Cấm phát hành các phương tiện thanh toán không hợp pháp Các hành vi bị cấm trong thanh toán không tiền mặt theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP gồm có xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu; tiết lộ, cung cấp thông tin về số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp… |