Hoàn thuế: Cần “cắt lớp” từng khâu!

Thứ tư, ngày 16 tháng 10 năm 2024 | 17:40

Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành gỗ, giấy, cao su… thường xuyên lên tiếng về việc bị “treo” hàng nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng trong thời gian dài. Tình trạng này xuất phát từ 2 câu chuyện là hệ thống thể chế và quản lý thực thi.

Cần “cắt lớp” từng khâu

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), một số đã được xử lý nhưng còn nhiều khó khăn, xuất phát từ 2 câu chuyện là hệ thống thể chế và quản lý thực thi.

“Ví dụ, một doanh nghiệp A mua gỗ từ một doanh nghiệp B và mang đi xuất khẩu, thanh toán qua ngân hàng, thủ tục hải quan đầy đủ, cung cấp hoá đơn chứng từ đầy đủ. Về mặt thủ tục, cơ quan thuế hoàn thuế cho doanh nghiệp A là đúng chế độ. Nhưng khi cơ quan liên quan thực hiện thủ tục kiểm tra, thanh tra lại phát hiện chuyện doanh nghiệp B đã kê khai thu mua gỗ nguyên liệu không đúng, chẳng hạn sai nguồn gốc. Từ đó, cơ quan điều tra kết luận thủ tục hoàn thuế do doanh nghiệp A kê khai, cơ quan thuế hoàn thuế là sai đối tượng, xử lý truy thu tiền hoàn hoặc không được hoàn thuế nữa, chưa kể còn kết luận cán bộ thuế không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan thuế thiếu tinh thần trách nhiệm”, bà Cúc nói.

Bà Cúc cho rằng, để đảm bảo việc hoàn thuế GTGT có thể thực thi thông suốt, Luật Thuế GTGT cần được sửa đổi theo hướng cắt lát riêng từng khâu kinh doanh, từ đó xác định trách nhiệm của từng khâu, trên cơ sở ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trường hợp thông đồng dẫn đến sai phạm mới xử lý các bên liên quan. Bên cạnh đó, có cơ chế bảo vệ cán bộ thuế trong trường hợp kiểm tra phát hiện các sai sót không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kê khai hoặc của cán bộ thuế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế chia sẻ: “Chúng ta thực hiện hoàn thuế GTGT cho đơn vị xuất khẩu (F0), nhưng hiện nay đang mở rộng rà soát các giao dịch về trước, truy đến F1, F2, F3… sau đó mới hoàn thuế cho F0. Điều này không có trong quy định của pháp luật. Mỗi doanh nghiệp xem xét trong 45 ngày thì qua 3 - 4 đợt tra soát cũng lên tới 180 ngày, doanh nghiệp không thể chịu đựng được và nhà xuất khẩu là chịu đau đớn nhất. Việc tra soát nhiều vòng như vậy gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp. Cán bộ ngành thuế cũng chịu áp lực vì có thể bị quy kết trách nhiệm về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả”.

Ông Phụng đưa ra 2 đề xuất về tình trạng này. Thứ nhất, cần có chỉ đạo xuyên suốt giữa các cơ quan, ban, ngành trong cách nhìn nhận giải quyết sự việc, phải tiến hành cắt lớp: ở F0 thì giải quyết F0, việc truy soát ngược từ F1 tới F2, F3… sai ở F nào sẽ xử phạt F đó, không đổ dồn trách nhiệm lên một mình doanh nghiệp F0 như cách làm hiện nay.

“Kết hợp giữa biện pháp thận trọng và biện pháp thực tiễn, vừa bảo vệ được ngân sách nhà nước, vừa để các cán bộ dám nghĩ dám làm. Khi chưa sửa được Luật Thuế GTGT thì tiếp tục thực hiện cơ chế hoàn trước - kiểm tra sau như trước đây”, ông Phụng nhấn mạnh.

Đề xuất thứ hai mang tính dài hơi hơn là trong quá trình sửa đổi luật nên giới hạn rõ trách nhiệm của công chức thuế, cán bộ thuế trong việc hoàn thuế. Cán bộ chỉ chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ mà doanh nghiệp gửi tới theo quy định, phải phân định cơ quan thuế chịu trách nhiệm tới đâu, không đổ dồn trách nhiệm cho một mình cơ quan thuế, công chức thuế về những hành vi sai phạm của doanh nghiệp.

Không đổ dồn trách nhiệm cho cơ quan thuế

Để đảm bảo việc hoàn thuế giá trị gia tăng có thể thực thi thông suốt, Luật Thuế giá trị gia tăng cần được sửa đổi theo hướng cắt lát riêng từng khâu kinh doanh, từ đó xác định trách nhiệm của từng khâu.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đánh giá, từ năm ngoái tới nay, vấn đề hoàn thuế VAT vẫn rất nóng, dù tình trạng chung hiện tại đã được cải thiện, chỉ còn tồn ứ cục bộ tại một số địa phương và một số doanh nghiệp.

Ông Thành phân tích, 80% số doanh nghiệp nộp hồ sơ được hoàn trước - kiểm tra sau, còn lại 20% là kiểm tra trước - hoàn sau. Những trường hợp vướng rơi vào số 20% này. Doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế, cứ có hồ sơ, chứng từ, hóa đơn đầu vào là được hoàn. Hồ sơ quy định thế. Nhưng theo Luật Quản lý thuế, nếu rơi vào đợt kiểm tra trước - hoàn thuế sau thì cơ quan thuế phải kiểm tra. Mà kiểm tra thế nào, đến đâu, mức độ như thế nào, xử lý ra sao… thì đến nay luật lại chưa có quy định cụ thể.

Phải xác minh từ F0 tới Fn, một chuỗi rất dài, phức tạp, như ở TP.HCM có thể phải đi xác minh ở các tỉnh lân cận, dẫn tới kéo dài thời gian hoàn thuế; thậm chí có trường hợp không thể xác minh được. Trong quá trình xác minh, kiểm tra, cơ quan thuế buộc phải đặt ra các câu hỏi, yêu cầu xuất trình chứng từ, nhưng trong thủ tục kiểm tra lại không có. Nếu đặt hành vi của cơ quan thuế vào thủ tục hoàn thuế thì rõ ràng không đúng. Nếu đặt vào thủ tục kiểm tra thuế theo pháp luật thì lại được phép. Điều đó gây khó khăn cho cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lưu ý là tình trạng mua bán hoá đơn. “Chỉ một vụ án cơ quan công an điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đến nay đã có 524 doanh nghiệp với hàng triệu hóa đơn phát hành không có hàng hóa đi kèm. Hàng triệu hóa đơn đó có nằm trong hồ sơ hoàn thuế do cơ quan thuế chúng tôi đang nắm giữ hay không? Đó là một câu hỏi. Nếu hoàn thuế thì tại sao lại hoàn vì đây là hóa đơn đi mua?”, ông Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, ông Thành cho biết: “Vụ án xảy ra tại Thuduc House (Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức) đã tác động rất mạnh tới tâm lý của công chức thuế. Nắm được việc đó, chúng tôi đã có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình. Tỷ lệ hoàn thuế GTGT đã tăng lên”.

Góp ý trên phương diện sửa luật, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho hay, liên quan tới vấn đề giới hạn trách nhiệm của công chức thuế, luật pháp hiện nay có khoản 2, Điều 5 của Luật Quản lý thuế, nhưng quy định còn chung chung. Điều này dẫn tới việc công thức thuế vô hình trung phải chịu trách nhiệm cao nhất khi ra quyết định xử lý một vấn đề thuế.

“Điều này gây rủi ro lớn cho chính cán bộ thuế, bởi giới hạn trách nhiệm rất chung chung. Trong khi đó, với chuyên môn và nguồn lực của cơ quan thuế, họ chỉ có thể dựa vào hồ sơ xin hoàn thuế của doanh nghiệp, với các số liệu dữ liệu trên hồ sơ. Việc chúng ta cần làm là cơ quan lập pháp phải bổ sung giới hạn trách nhiệm, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thuế trong phạm vi hồ sơ, tài liệu người nộp thuế cung cấp, các quy định pháp lý có liên quan. Người nộp thuế phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đã nộp”, bà Quỳnh Anh nói.

Về vấn đề này, ông Mai Xuân Thành chia sẻ, trong quá trình xây dựng Luật Thuế GTGT (sửa đổi), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính đề xuất bổ sung vào Luật một số quy định, bao gồm nội dung “công chức thuế chịu trách nhiệm hoàn thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế GTGT, pháp luật về quản lý thuế và trong phạm vi hồ sơ, tài liệu người nộp thuế cung cấp, văn bản thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn thuế” để đảm bảo chặt chẽ và rõ phạm vi trách nhiệm của công chức thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Bên cạnh đó, ngày 7/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

“Hoàn thuế GTGT là vấn đề nóng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang gấp rút thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất”, ông Thành cho biết.