Học phí leo thang, chất lượng đào tạo đại học có tương xứng?

Thứ bảy, ngày 7 tháng 5 năm 2022 | 15:6

Nhiều người vẫn lo ngại khi học phí đại học tăng nhưng chất lượng đào tạo lại không tăng, sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành, đi làm công nhân.

Học phí đại học tiếp tục leo thang

Theo Nghị định 81, Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập;

Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thì từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ sẽ được phép tăng.

hoc phi leo thang chat luong dao tao dai hoc co tuong xung hinh 1

Nhiều trường đại học sẽ tiếp tục tăng học phí.

So với năm học 2021 - 2022 thì mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng).

Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.

Thông tin từ các trường cho thấy các nhà trường đang dự kiến tăng học phí. Theo đó, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì học phí dự kiến cao nhất rơi vào khoảng 44,5 triệu đồng đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí là 32 triệu đồng/năm 2021, mức tăng này đã đạt đến 40%.

Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí ở khóa tuyển sinh năm 2022.

Mức thu cho năm học 2022-2023 tương đương 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025-2026 là 48 triệu đồng.

Chỉ tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức  35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021, học phí của trường đã tăng thêm 24,5%.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thì từ năm 2022, trường thực hiện đổi mới, tự chủ về học phí, vì vậy, mức thu học phí của trường dự kiến tăng lên từ 16-60 triệu đồng/năm.

Cụ thể, học phí nhóm ngành khoa học xã hội từ 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học; học phí nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch từ 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.

Liên quan đến xu hướng thu học phí này, nhiều phụ huynh lo lắng trong việc đảm bảo tài chính để con em theo học cách trường yêu thích.

Theo chị Nguyễn Thùy Anh ở Hà Tĩnh cho rằng, việc tăng học phí liệu có đảm bảo chất lượng sẽ tốt hơn. Việc đầu tư cho con em theo học ra trường liệu có việc làm theo đúng chuyên môn.

 

“Đầu tư học tập 4 năm cho con em sẽ tốn khoản tiền lớn vì thế nếu tăng học phí thì phải đi kèm với chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách cho sinh viên vay tiền học tập” – chị Nguyễn Thúy Anh nêu ý kiến.

Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn An ở Cao Bằng cho rằng, tăng học phí sẽ tác động lớn đến việc theo học đại học của nhiều sinh viên.

Đặc biệt những sinh viên ở vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn. Do đó, khi đầu tư cho con em theo học đại học các phụ huynh sẽ suy nghĩ nhiều hơn. Tránh tình trạng, học xong lại đi làm công nhân như rất đông sinh viên ra trường hiện nay.

Chất lượng giáo dục liệu có đi lên?

Xung quanh việc tăng học phí, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, học phí tăng thì chất lượng có tăng không là câu hỏi khó.

Tuy nhiên vị này khẳng định, học phí thấp (chi phí đào tạo sinh viên thấp) thì chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ thấp. Trong khi học phí cao cũng có thể thể chất lượng chưa cao như kỳ vọng.

“ Tổng chi phí đào tạo trên một sinh viên thấp thì chất lượng sẽ thấp mà nước mình đang thấp nhất thế giới. Nếu muốn chất lượng cao thì phải tăng chi phí để đầu tư cho một sinh viên” – TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Thông thường, nguồn đầu tư cho sinh viên sẽ được lấy từ ngân sách của nhà nước, học phí phụ huynh chi trả. Đi kèm là các chính sách ưu tiên đối với những trường hợp con em chính sách, học sinh giỏi, chính sách vay tiền đi học. Do đó, cần chính sách đồng bộ để học sinh có điều kiện theo học đại học.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Nguyên ĐBQH - bà  Bùi Thị An cho rằng, trong cơ chế thị trường thì các cơ sở giáo dục có quyền tăng học phí. Tuy nhiên, việc tăng đó phải tương đương với tăng chất lượng.

Bây giờ, làm thế nào để kiểm soát được việc tăng học phí kèm với tăng chất lượng. Việc này, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Các trường muốn tăng học phí thì phải đi kèm với tăng chất lượng và phải có cơ quan kiểm tra chất lượng.

Nếu nhà trường cam kết tăng chất lượng nhưng thực tế có tăng không thì cần Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có biện pháp để giám sát” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy vấn đề tăng học phí được xem là xu thế hiện nay để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, lo lắng của phụ huynh là khi con em theo học với chi phí cao nhưng ra trường lại không đáp ứng được yêu cầu công việc dẫn đến thất nghiệp, làm trái ngành, đi làm công nhân.

Bài toán chất lượng vì thế cần có sự kiểm tra, giám sát đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

 

 

 

Nguồn

https://congluan.vn/hoc-phi-leo-thang-chat-luong-dao-tao-dai-hoc-co-tuong-xung-post193302.html