Dự hội thảo có các thành viên là chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đơn vị tư vấn (Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công thương).
Đề án đã nêu được thực trạng ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2020: giá trị sản xuất công nghiệp Ninh Bình tăng trưởng đạt tốc độ khá cao (20,7%/năm), một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển mạnh mẽ như sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ... Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh tiếp tục khẳng định được vị thế trên thị trường, đã có thêm một số sản phẩm tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu...
Đề án cũng nêu ra 9 giải pháp thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình, gồm: cơ chế chính sách, phát triển các công nghiệp ưu tiên, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, liên kết ngành và vùng, phát triển hạ tầng phục vụ công nghiệp, phát triển thị trường công nghiệp.
Các đại biểu, chuyên gia tham dự tư vấn, phản biện đề án, làm rõ một số đề mục, nêu rõ kế hoạch cơ cấu lại, điều tra các số liệu, bảng biểu, tính dự tính, bổ sung thông tin các yếu tố xã hội, dự báo các ngành mới trong 10 năm và cách thể hiện văn kiện…nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Ninh Bình.
Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo là luận chứng khoa học giúp UBND tỉnh hiểu rõ và định hướng, có phương án hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời đặt ra mục tiêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Minh Đường - Anh Tuấn