Hơn 85% bệnh nhân vẫn sống tốt sau 10 năm ghép thận

Thứ năm, ngày 21 tháng 3 năm 2024 | 9:18

Khoảng 20 năm qua, hơn 1.800 bệnh nhân đã được ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tỷ lệ sống, sống tốt sau 10 năm là trên 85%, cao hơn một số thống kê trên thế giới.

Thông tin được Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết tại Hội nghị khoa học ghép thận diễn ra vào ngày 19/3. Sau hơn 30 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép, trong đó thận là bộ phận có số ca ghép nhiều nhất.  

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện vào năm 2002, đến nay có hơn 1.800 bệnh nhân được ghép. Số ca ghép thận tăng dần từng năm, đặc biệt trong hơn 3 năm gần đây (từ cuối năm 2020 đến năm 2023) các bác sĩ của viện này ghép được hơn 800 ca.

Độ tuổi ghép trung bình là gần 43 tuổi, 67% bệnh nhân ghép là nam giới. Đa số nguồn thận hiến là từ người cho sống, chỉ hơn 170 ca ghép từ người cho chết não, nhiều nhất cả nước. Năm 2023, viện này thực hiện ghép thận cho 242 ca, chỉ có 18 ca từ người cho chết não. 

Việc đánh giá kết quả sau ghép thận được thực hiện qua 3 mốc: ngay tức thì sau ghép, sau 5 năm (trung hạn) và sau 10 năm (dài hạn). Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Tiến sĩ Hùng cho biết con số này lần lượt là 100%, trên 90% và trên 85%. 

 Theo bác sĩ Hùng, ghép thận giúp các bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống. Một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận 3 lần/tuần, cuộc sống gần như gắn liền với bệnh viện, chưa xong buổi chạy này đã tính tới buổi chạy sau. Họ cũng không có khó có cơ hội, khả năng lao động, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.

“Ghép thận là biện pháp cuối cùng cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý thận không còn phương pháp nào điều trị, giúp họ sống tốt, quay trở lại lao động bình thường, có ích cho xã hội", bác sĩ Hùng nói.

Chi phí BHYT thanh toán cho bệnh nhân theo dõi điều trị sau ghép thận ngoại trú, tính tới tháng 12/2023 là hơn 17 tỷ đồng.Tiến sĩ Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Cũng theo ông Hùng, với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, ghép thận là phương pháp điều trị có chi phí thấp so với các phương pháp như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng. Hiện ở viện này, ghép thận trở thành phương pháp thường quy. Mới đây, bệnh viện trở thành cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước ghép tim và thận cùng lúc cho một bệnh nhân 37 tuổi bị suy tim, suy thận.

Đặc biệt, bệnh viện đã chuyển giao nhiều kỹ thuật ghép thận cho khoảng 10 bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh nhân được ghép ngay tại địa phương, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết bộ đã phê duyệt 23 cơ sở y tế ghép tạng, cả tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các kỹ thuật trong ghép tạng và đã ghép thành công 6 bộ phận cơ thể người gồm: Thận, gan, phổi ,tim, tụy và chi thể.

Bệnh lý suy thận do 2 nguyên nhân chính: bẩm sinh và mắc phải. Trong đó, số bệnh nhân suy thận do mắc phải ngày càng nhiều. Hiện nay, việc sử dụng thực phẩm có quá nhiều hóa chất độc hại để bảo quản khiến chức năng gan, thận bị suy giảm. Tất cả các chất đưa vào cơ thể được chuyển hóa, đào thải qua gan và thận, vì thế đây là 2 bộ phận tổn thương sớm nhất khi đưa những chất không có lợi vào cơ thể. Tiến sĩ Dương Đức Hùng