Hợp tác với Việt Nam là nhu cầu của cộng đồng quốc tế
Những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ; thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc đã khẳng định một Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, đang là trung tâm chú ý của cộng đồng thế giới, một Việt Nam cởi mở và rất nhiều cơ hội hợp tác; một Việt Nam đang tích cực trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Hợp tác với Việt Nam, trách nhiệm với Việt Nam là nhu cầu của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) - Ảnh: VGP
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ; thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, chuyến công tác "ba trong một" của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang nhiều ý nghĩa và đạt những kết quả rất quan trọng trên cả phương diện song phương và đa phương. Trong đó, đã đóng góp vào thành công của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ; thúc đẩy và làm chặt chẽ hơn quan hệ Việt Nam-Liên Hợp Quốc; thể hiện được thiện chí của Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ.
Đặc biệt,Thủ tướng đã đưa ra những thông điệp quan trọng, mạnh mẽ thể hiện quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển trước cộng đồng quốc tế.
Đó là "chân thành, niềm tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp"; là "giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hoà bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau", "Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng"; là "xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả". Những thông điệp này đều được đón nhận tích cực bởi các bạn bè, đối tác nước ngoài.
Việt Nam tiên phong thể hiện trách nhiệm trước các vấn đề quốc tế
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Một điểm nhấn trong chuyến công tác "3 trong 1" của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng tại CSIS - một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế. Bài phát biểu có tựa đề "Chân thành, niềm tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn". Theo ông, chủ đề này tại sao lại được chọn?
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung: Tại CSIS, Thủ tướng đã đề cao vai trò của "sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn" và khẳng định Việt Nam sẽ theo đuổi những nguyên tắc này trong quan hệ hợp tác với các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Việc lựa chọn chủ đề này là một sự cân nhắc kỹ và thể hiện một tầm vóc mới của Việt Nam.
Theo tôi, có một số lý do để lựa chọn chủ đề này. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó tiên đoán và mất an ninh như hiện nay, cạnh tranh chiến lược, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh, xung đột khiến cho sự bất an, chia rẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng quốc tế.
Do đó, cần có những nguyên tắc để dẫn dắt các quốc gia trong quan hệ quốc tế để không bị cuốn vào tranh giành, phe phái, cơ hội gây tổn hại đến môi trường hòa bình và phát triển chung. Một thế giới với sự trở lại của chủ nghĩa cường quyền thực sự là một đe dọa lớn đến hòa bình và ổn định cũng như an ninh con người. Hiện nay, niềm tin về hòa bình, phát triển của thế giới đang suy giảm mạnh kể từ nhiều thập kỷ qua.
Một quốc gia như Việt Nam đã lựa chọn "chân thành" trong quan hệ với các đối tác, củng cố "niềm tin" lẫn nhau và tăng cường "trách nhiệm" trong hợp tác cũng như với cộng đồng quốc tế là cơ sở cho tinh thần đối ngoại của mình.
Thủ tướng Việt Nam đã nhấn mạnh: "Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng. Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế".
Đặc biệt, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng "các hệ thống chính trị được lựa chọn của mỗi quốc gia". Những thông điệp này đã được đón nhận rất nồng nhiệt tại Thủ đô Washington.
Bài phát biểu này không chỉ là một thông điệp thể hiện sự khát vọng của Việt Nam, mà còn thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam và sự tiên phong thể hiện trách nhiệm của mình trước các vấn đề quan hệ quốc tế và toàn cầu.
Bài phát biểu của Thủ tướng còn đề cập đến rất nhiều vấn đề khác như vấn đề xung đột tại Ukraine, Thủ tướng đã tái khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa bình, hòa giải tại đây, đồng thời khéo léo truyền thông điệp Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có những đóng góp tích cực trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ năm 2014, vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai vào năm 2019, cung cấp hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho các nước khác khi bắt đầu đại dịch…
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cũng được Thủ tướng nhắc đến với rất nhiều những kỳ vọng, trong đó ba lĩnh vực hợp tác then chốt được Thủ tướng nhấn mạnh là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng – đều là những lĩnh vực quan trọng của tương lai và thế mạnh của Hoa Kỳ.
Nhìn chung, bài phát biểu đã truyền tải được những thông điệp rõ ràng về cách tiếp cận của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay; tạo ấn tượng về một Việt Nam chân thành, đáng tin cậy và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; và sẵn sàng vượt qua những bất đồng, khác biệt để thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ hơn.
Hợp tác với Việt Nam, trách nhiệm với Việt Nam là nhu cầu của cộng đồng quốc tế
Trong một bài phát biểu khác tại Đại học Harvard, Thủ tướng đã nêu rõ, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việc khẳng định thông điệp này từ Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung: Điều đầu tiên có thể thấy, Thủ tướng đã một lần nữa khẳng định sự nhất quán trong việc thực hiện chiến lược đổi mới và phát triển đất nước của Việt Nam trong bối cảnh mới, để cho thế giới thấy được rằng một Việt Nam đang lên, đang đi đúng hướng và tiếp tục đi đúng con đường này chính là con đường phù hợp nhất với Việt Nam.
Điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn là kinh nghiệm tham khảo cho nhiều nước. Quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng đã được xác định rõ, là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp của Việt Nam.
Thứ hai, thông điệp mà Thủ tướng hướng đến là thế giới đang đứng trước những bất ổn của an ninh kinh tế do cạnh tranh, xung đột, rủi ro về tài chính, tiền tệ quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 gây nên những tác động vô cùng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Bối cảnh đó đòi hỏi các quốc gia cần phải hướng đến sự độc lập, tự chủ trong nền kinh tế, để có thể tránh được những cú sốc từ bên ngoài.
Tuy nhiên, độc lập, tự chủ không có nghĩa là "đóng kín", cô lập với bên ngoài, mà phải gắn với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh: "Độc lập kinh tế phải gắn với độc lập chính trị và hội nhập quốc tế".
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều bất ổn khó đoán định, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình để đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo sự độc lập về kinh tế, tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế nào. Việc tích cực hội nhập quốc tế, theo đuổi chủ nghĩa đa phương rất có ý nghĩa đối với một nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam. Thủ tướng đã nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài và làm sâu sắc hơn nữa các quan hệ thương mại quốc tế và quan hệ đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, thông điệp còn cho thấy thế giới muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác và phát triển đừng bỏ qua Việt Nam. Chính Việt Nam là nơi mà các doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế có thể tìm kiếm được những cơ hội lợi nhuận và hợp tác.
Ngoài 2 bài phát biểu trên, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các đối tác, bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt…. Giới chuyên gia, học giả, cộng đồng quốc tế cho hay, họ dường như "hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam và trách nhiệm với Việt Nam" hơn thông qua các thông điệp, hành động của Thủ tướng. Cảm nhận của ông như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung: Nhìn chung, trong các phát biểu của Thủ tướng tại các cuộc gặp gỡ với các đối tác, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt đều truyền đi hình ảnh của một Việt Nam chân thành, đáng tin cậy, có trách nhiệm; kiên định đường lối đối ngoại "độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Riêng trong gặp gỡ kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ, Thủ tướng khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, mong muốn sự hoà hợp hướng tới mục tiêu chung của dân tộc và truyền cảm hứng về khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng cho toàn thể Nhân Dân Việt Nam..
Các thông điệp này đã được các đối tác, bạn bè quốc tế đều bày tỏ đồng tình và chia sẻ, đặc biệt là sự ủng hộ mạnh mẽ khát vọng phát triển, hùng cường, thịnh vượng của Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, các nhà khoa học, trí thức, sinh viên, giới doanh nhân, tăng lữ cũng đón nhận tích cực những định hướng chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào.
Một Việt Nam đang lên, đang là trung tâm chú ý của cộng đồng thế giới, một Việt Nam cởi mở và rất nhiều cơ hội hợp tác và tìm kiếm lợi nhuận, một Việt Nam đang bắt đầu hướng đến các vấn đề quốc tế và khu vực. Cuối cùng, hợp tác với Việt Nam, trách nhiệm với Việt Nam còn là nhu cầu của cộng đồng quốc tế.
Chuyến công tác này được đánh giá là bước tiến tích cực trong quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ. Về tổng thể, chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng có ý nghĩa như nào đối với quan hệ song phương hai nước trong thời gian tới, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung: Như đã nói ở trên, chuyến thăm, làm việc Hoa Kỳ kết hợp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ này có ý nghĩa lớn đối với quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ. Hoa Kỳ muốn tận dụng cơ hội này để đạt được những tiến bộ song phương với các đối tác chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tuyên bố chung của Hội nghị đã xác định sẽ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11 tới. Điều này sẽ tạo cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ khung khổ hợp tác mới với nhiều cơ hội hơn.
Trong các tiếp xúc với Việt Nam, Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, mong muốn quan hệ song phương ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả.
Về phía Việt Nam, tất cả các khía cạnh trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đều đã được đề cập đến trong chuyến thăm này, từ thương mại, an ninh, môi trường, phục hồi sau COVID-19 đến di sản chiến tranh. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới những trung tâm hàng đầu của Hoa Kỳ về kinh tế, tài chính, học thuật, công nghệ, tiếp xúc với giới chính trị gia cấp cao, giới trí thức, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ và thế giới trong các lĩnh vực chủ chốt như chế biến, chế tạo, tài chính, công nghệ cao.
Tại các cuộc tiếp xúc đó, Thủ tướng đã khẳng định sự coi trọng các mối quan hệ với Hoa Kỳ, mong muốn và thiện chí hợp tác song phương vượt qua những khác biệt, thúc đẩy quan hệ trên cơ sở sự tin tưởng và trách nhiệm vì lợi ích của hai nước và hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.
Quan hệ song phương nhận được những hiệu ứng tốt đẹp từ chuyến thăm này sẽ mở ra nhiều triển vọng để tăng cường, mở rộng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ xuất phát từ nhu cầu thực sự và cấp bách của cả hai nước. Rất nhiều các lĩnh vực đã và đang nhận được sự quan tâm to lớn của cả hai phía như: Hợp tác về an ninh hàng hải, phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, giảm khí thải carbon, y tế…
Động lực bên trong của mối quan hệ song phương là rất lớn và chuyến thăm này mang nhiều ý nghĩa quan trọng để đẩy nhanh hơn các tiến trình cụ thể.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn https://baochinhphu.vn/hop-tac-voi-viet-nam-la-nhu-cau-cua-cong-dong-quoc-te-102220525151350865.htm
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam