Hướng đến công bằng về tiền lương

Thứ ba, ngày 5 tháng 3 năm 2024 | 13:36

Hướng đến sự công bằng về tiền lương giữa những người thụ hưởng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về tác động của chính sách tiền lương mới, áp dụng từ ngày 1-7-2024.

Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng thiết kế các chính sách liên quan bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

chi-tra-luong-huu-cho-nguoi.jpg

Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại quận Hà Đông. Ảnh: Hà Hiền

Hiện nay, tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ hưởng lương hưu giữa nhóm lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và do người sử dụng lao động (doanh nghiệp) quyết định đang có khoảng cách nhất định.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến thời điểm hết năm 2023, cả nước có gần 2,78 triệu người là cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm lực lượng vũ trang) đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong số này, 80% số người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn 20% hưởng lương tại các đơn vị tự chủ một phần hoặc tự chủ toàn bộ. Tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động thuộc nhóm này là 6.936.000 đồng.

Tại khối doanh nghiệp, hợp tác xã, cả nước có khoảng hơn 13 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khối này là 6.382.031 đồng. Như vậy, người lao động làm việc giữa hai khối có mức chênh lệch về tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội khoảng 9%.

Mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của hai khối có sự khác nhau là vì, khu vực nhà nước áp dụng theo lương cơ sở, căn cứ theo ngạch, bậc, tăng theo thâm niên; khu vực doanh nghiệp áp dụng theo lương tối thiểu vùng, chủ yếu được tính theo năng suất lao động…

Điều đáng quan tâm là, theo các quy định hiện hành, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, khi hết tuổi lao động, tiền lương hưu của họ được tính theo mức đóng bảo hiểm xã hội những năm cuối trước khi nghỉ hưu, còn người lao động khu vực doanh nghiệp căn cứ theo mức đóng của toàn bộ thời gian làm việc. Đây cũng là yếu tố dẫn đến sự chênh lệch về mức lương hưu bình quân của người thụ hưởng giữa hai khu vực. Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 1,27 triệu người đang hưởng chế độ hưu trí theo diện thời điểm trước nghỉ hưu thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Mức lương bình quân của nhóm này là 6.100.000 đồng/người/tháng, cao hơn so với mức chung (hơn 5.000.000 đồng/người/tháng).

Đặc biệt, theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, từ ngày 1-7-2024 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy đinh sẽ hưởng mức tiền lương mới, dự kiến cao hơn với hiện nay. Điều này đồng nghĩa, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng lên (dự kiến tăng khoảng 54,89%). Chiếu theo các quy định hiện hành, thì những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương sau cải cách càng dài sẽ có cơ hội hưởng lương hưu càng cao. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến sự chênh lệch không nhỏ về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới, giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước…

Xuất phát từ nhiều yếu tố nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất sửa đổi quy định về cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đó là, từ ngày 1-7-2024, mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành áp dụng đối với người lao động khu vực nhà nước trước thời điểm ngày 1-7-2024. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1-7-2024 trở đi sẽ tính bình quân toàn bộ thời gian đóng.

Về mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội khoảng 8% từ ngày 1-7-2024. Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn, các giải pháp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra nhằm bảo đảm sự cân đối về mức hưởng của người nghỉ hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương, giữa người nghỉ hưu khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Đó cũng là giải pháp nhằm bảo đảm cân đối khả năng thu, chi Quỹ Hưu trí và tử tuất, hướng tới sự công bằng về tiền lương.

]\