Huy động nhiều nguồn lực giải quyết việc làm
Tính trong 7 tháng của năm 2024, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 145.813 lao động, đạt 88,3% so với kế hoạch năm. Nhiều giải pháp phát huy các nguồn lực, đặc biệt là hỗ trợ vay vốn ưu đãi tạo việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động đã có thêm nhiều nguồn việc làm mới cho người lao động
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ phấn đấu hoàn thành sớm chỉ tiêu về giải quyết việc làm năm 2024.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (số 215 phố Trung Kính, Cầu Giấy) thường xuyên kết nối tuyển dụng trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Thu Minh
- Xin ông cho biết chỉ tiêu giải quyết việc làm được thành phố Hà Nội thực hiện ra sao trong thời gian qua?
- Giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm đạt 160.000 lượt người/năm, nhưng thực tế cho thấy, thành phố thường xuyên vượt chỉ tiêu này những năm gần đây. Đặc biệt, trong năm 2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho 214.258 lao động, đạt 132,2% kế hoạch. Trên cơ sở thực tiễn đó, năm 2024, thành phố đặt kế hoạch giải quyết việc làm thành công cho 165.000 lượt người. Tính trong 7 tháng của năm, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 145.813 lao động, đạt 88,3% so với kế hoạch năm. Với tiến độ hiện tại, tôi tin năm nay, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành sớm chỉ tiêu.
- Theo ông, đâu là những cách làm hay giúp Hà Nội đạt kết quả tốt về chỉ tiêu giải quyết việc làm?
- Thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thiết lập mạng lưới gắn bó giữa hệ thống doanh nghiệp và người lao động, gắn kết chặt chẽ với các tập đoàn, công ty cung ứng nhân lực lớn trong việc hỗ trợ tìm kiếm nhân sự, lao động. Nhờ đó, doanh nghiệp đỡ tốn kém chi phí tuyển dụng, quản lý, nâng cao tốc độ tuyển dụng, tạo cơ hội để người lao động tìm việc làm thông qua các đơn vị uy tín, được bảo đảm quyền lợi chính sách và đa dạng ngành, nghề lựa chọn.
Đặc biệt, việc hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi cũng góp phần tạo việc làm đáng kể cho người lao động. Trong 6 tháng đầu năm, có 37.300 lao động được tạo việc làm từ chính sách cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố. Đồng thời, có 2.216 người đi xuất khẩu lao động; 8.753 người được giải quyết việc làm thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm...
- Nói cách khác, chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định, thưa ông?
- Đây thực sự là một giải pháp căn cơ và hiệu quả, góp phần tạo sinh kế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Yêu cầu đặt ra là công tác này phải minh bạch, đúng đối tượng. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác thẩm tra, xét duyệt báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động quản lý và sử dụng nguồn vốn.
Để duy trì tốt công tác giải quyết việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố Hà Nội để trình HĐND thành phố vào tháng 9-2024, trong đó thành phố chủ trương mở rộng đối tượng được vay để tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND thành phố đã bố trí 1.310 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm.
- Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp gì để duy trì thành quả, tiếp tục hoàn thành và vượt chỉ tiêu về giải quyết việc làm?
- Một trong những vấn đề khó là số doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận tuyển dụng lượng lao động thuộc đối tượng lao động đặc thù như lao động mãn hạn tù, nghiện ma túy, nhiễm HIV… hiện còn ít. Bên cạnh đó, nhóm lao động này hầu hết chưa sẵn sàng làm việc, phần lớn là lao động phổ thông, thiếu kỹ năng lao động. Vì vậy, thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các nhóm lao động yếu thế như người khuyết tật, học viên cai và sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong hình phạt tù...
Đáng lưu ý, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang phải đưa người lao động từ công ty mẹ sang Việt Nam để thực hiện các công đoạn quan trọng của quy trình sản xuất thiết bị có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao. Thực tế đó đòi hỏi sự vào cuộc chủ động và tích cực hơn của các đơn vị đào tạo nghề.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm, bảo đảm hoàn thành việc tổ chức 222 phiên hằng ngày đồng bộ trên hệ thống sàn, 4 phiên chuyên đề, 2 phiên lồng ghép tuyển dụng người khuyết tật, 10 phiên trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố, 18 phiên lưu động tại các quận, huyện, thị xã trong năm nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công
- Hỗ trợ 5 nghìn công nhân, lao động Thủ đô về quê đón Tết