IMF: Sóng bán tháo tiếp tục dâng khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, các thị trường sẽ bán tháo nhiều hơn khi các ngân hàng trung ương ra sức chống lại lạm phát và thu hẹp các biện pháp kích thích thời dịch.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ gần đây khiến định giá của các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Thung lung Silicon giảm mạnh. Ảnh: AFP.
Sau hai năm thấp thỏm vì dịch, người chơi chứng khoán khởi động năm 2022 với tinh thần lạc quan và kỳ vọng thị trường thăng hoa nhờ tín hiệu phục hồi của các nền kinh tế lớn sau khi các biện pháp phòng dịch Covid-19 được nới long.
Thế nhưng, giấc mộng về "thị trường bò tót" vỡ tan sau Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2. Diễn biến này "đổ thêm dầu vào lửa" trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, thậm chí lạm phát ở các nền kinh tế lớn Mỹ, EU, Anh, Hàn Quốc tăng kỷ lục trong khi các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thoát khỏi những cú sốc và gián đoạn vì dịch bệnh.
Sau một thời gian âm ỉ tăng, giá nhiên liệu như dầu thô, xăng, khí đốt tự nhiên thế giới cũng bị thổi bùng lên mức kỷ lục khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.
"Chắc chắn sẽ có nhiều đợt bán tháo hơn nữa", ông Tobias Adrian, Giám đốc thị trường tiền tệ và vốn tại IMF bình luận trên đài CNBC.
"Việc thắt chặt tiền tệ để lại hậu quả là các điều kiện tài chính bị siết lại, kéo các hoạt động kinh tế chững lại và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta thấy một lượng điều chỉnh định giá tài sản nhất định trong tương lai và điều này có thể xảy ra đối với thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường [trái phiếu - BTV] chính phủ", ông Tobias Adrian cảnh báo.
Cảnh báo trên được đưa ra đúng lúc xuất hiện nhiều bất định xoay quanh chính sách của một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm 2022, sau đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018 lên ngưỡng 0,25 - 0,5% vào tháng 3 vừa qua - một động thái chính thức thực hiện lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhưng Fed đang trong tâm thế sẵn sàng tăng lãi suất cao hơn trong bất kỳ cuộc họp chính sách nào sắp tới, không loại trừ phương án tăng 0,5 điểm phần trăm.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng họ sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản nhằm kích thích kinh tế thời gian trong quý III/2022.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã lựa chọn giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp chính sách ngày 10/3, nhưng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde lưu ý rằng "rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng đã tăng lên đáng kể do hậu quả của chiến sự ở Ukraine", đồng thời lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong những tháng tới, chủ yếu là do chi phí năng lượng tăng.
Như vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn tham chiếu ở mức 0%, lãi suất cho vay cận biên ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi cơ sở (lãi suất tiền gửi qua đêm) là -0,5%.
Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ có thể được các ngân hàng trung ương đẩy nhanh hơn nếu lạm phát vẫn ở mức cao, điều này có thể khiến thị trường biến động mạnh. Chẳng hạn, Khu vực đồng euro (Eurozone) chứng kiến lạm phát tháng 3 tăng lên mức kỷ lục 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi Mỹ ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất kể từ năm 1981.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất công bố hôm 19/4, các chuyên gia IMF cho rằng: "Rủi ro đang tăng lên khi kỳ vọng lạm phát văng ra khỏi các mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đề ra, buộc các nhà hoạch định chính sách phải phản ứng mạnh tay hơn".
Theo nhận định của IMF, lạm phát tăng cao sẽ còn kéo dài lâu hơn dự đoán trước đây. Cơ quan này ước tính lạm phát của Mỹ sẽ đạt 7,7% trong năm nay còn Eurozone sẽ ghi nhận mức lạm phát 5,3%.
Theo phản ánh của tờ Financial Times, các đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ gần đây cộng với việc tạm dừng các thương vụ niêm yết mới đã gây ra sóng gió cho Thung lũng Silicon. Hệ lụy là cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon đang chìm dần trong giao dịch riêng lẻ.
Forge Global, một trong những nền tảng giao dịch lớn nhất của các công ty khởi nghiệp tư nhân tại Mỹ, cho biết định giá của các công ty trên nền tảng này trong tháng 2 và tháng 3/2022 đã giảm 19,9% so với quý IV/2021.
Zanbato, một sàn giao dịch cổ phiếu tư nhân, cũng cho biết chỉ số theo dõi giao dịch của hơn 100 công ty tư nhân này đã giảm 1% trong quý I/2022 và lần sụt giảm trước đó là giữa năm 2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 gây ra sự hỗn loạn trên các thị trường tư nhân.
Dữ liệu từ các nền tảng giao dịch cho thấy các nhà đầu tư đang ngày càng thận trọng khi rót vốn vào các công ty tư nhân sau 1 năm bội thu đầu tư mạo hiểm đã giúp hàng trăm công ty công nghệ non trẻ "lên đời" với mức định giá hàng tỷ USD.
Ông Nico Sand, Giám đốc điều hành Zanbato cho hay, chênh lệch giữa giá mà người mua tìm kiếm và giá bán đã tăng lên trong thời gian thị trường biến động lớn hơn trong hai tháng đầu năm 2022.
"Kể từ đó, chênh lệch giá xuất hiện khi thị trường ghi nhận giá thanh toán bù trừ mới, điều này đã thúc đẩy các hoạt động giao dịch trong tháng 3 và đầu tháng 4", ông Nico Sand cho biết.
Cổ phiếu công nghệ rớt giá song hành với việc bán tháo trên các thị trường công khai, đáng kể chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đã trượt khoảng 15% trong năm nay. Cổ phiếu của các công ty công nghệ từng gây chú ý bởi những thương vụ niêm yết quy mô lớn gần đây tại Mỹ, chẳng hạn như Công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang và hãng xe điện Rivian, thậm chí còn trượt sâu hơn.
Các đơn vị môi giới như Forge Global cho phép nhân viên, nhà đầu tư và các cổ đông khác mua và bán cổ phiếu ở các công ty tư nhân trước khi chúng được mua lại hoặc niêm yết trên các sàn giao dịch đại chúng.
Thời gian qua, các công ty khởi nghiệp tư nhân đã phát triển nhanh chóng trong giai đoạn đầu của bùng nổ đầu tư mạo hiểm, bởi những người sáng lập công ty cho phép nhân viên bán non cổ phần. Forge Global cho biết họ đã xử lý khối lượng giao dịch kiểu này có giá trị lên tới 3,2 tỷ USD vào năm ngoái.
Mức định giá thị trường của Zanbato đối với cổ phiếu của công ty khởi nghiệp về hội nghị trực tuyến Hopin đã giảm 40% trong quý I/2022 do công ty này đang trong thời kỳ ngưng trệ sau giai đoạn tăng trưởng nóng nhờ dịch Covid-19. Trước đó, giới đầu tư đã định giá Hopin ở mức gần 7,8 tỷ USD trong một vòng gọi vốn được công bố vào tháng 8/2021.
Cũng theo Zanbato, giá trị thị trường của công ty khởi nghiệp công nghệ thanh toán Stripe cũng đã giảm 4% trong quý I/2022. Trước đó, các nhà đầu tư đã định giá Stripe lên mức 95 tỷ USD vào tháng 3/2021, khiến nó trở thành công ty tư nhân có giá trị nhất Thung lũng Silicon do quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân hậu thuẫn.
Kể từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư mạo hiểm có xu hướng giảm tốc độ giao dịch. Theo dữ liệu của PitchBook, các nhà đầu tư đã chi khoảng 70,7 tỷ USD vào các giao dịch được công bố ở Mỹ trong quý I/2022, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho biết họ đã bắt đầu săn lùng các giao dịch chiết khấu khi bán tháo. "Chúng tôi coi đây là cơ hội", ông Hans Swildens, Giám đốc điều hành Industry Ventures, một trong những nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường giao dịch thứ cấp tư nhân cho biết, đồng thời cho rằng tâm lý người chơi muốn mua vào khi thị trường giảm điểm.
Nguồn TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/imf-song-ban-thao-tiep-tuc-dang-khi-cac-ngan-hang-trung-uong-dieu-chinh-chinh-sach-post295855.html
- Lạm phát tăng mạnh, người Mỹ lo lắng suy thoái đang đến gần
- Chứng khoán Mỹ: Hồi phục ấn tượng sau đợt bán tháo, Dow Jones tăng 600 điểm
- Chứng khoán Mỹ: Dow Jones ghi nhận chuỗi tuần lao dốc dài nhất từ năm 1923
- Dow Jones sụt hơn 600 điểm, S&P 500 rớt mốc 4,000 điểm
- Điều tồi tệ ập đến, nước Mỹ hứng cú sốc mạnh nhất 2 năm qua
- Trái chiều chính sách tiền tệ Mỹ - Nhật khiến đồng Yên tụt giá xuống đáy 20 năm
- Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
- Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và nỗi lo lạm phát khiến giới đầu tư vẫn chọn cách bán ra
- Elon Musk lại là tâm điểm trên thị trường chứng khoán với thương vụ mua cổ phiếu Twitter