Kế toán làm y tá
Một ngày giữa tháng 11 năm ngoái, một bé trai gần 3 tuổi trong lúc chơi đùa tại lớp ở trường Mầm non Hương Trà, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, bỗng nằm vật ra giữa nền.
Hai giáo viên và một nhân viên phòng y tế nghi em nuốt phải dị vật nên đã cho nằm sấp xuống, vỗ vào lưng, nỗ lực đẩy vật lạ khỏi cơ thể, nhưng bất thành.
Cậu bé sau đó được đưa tới trạm y tế xã cách trường vài trăm mét, song cán bộ tại đây không có máy móc, thiết bị để xác định dị vật. Họ không xử lý được. Em tiếp tục được chở tới Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê cách đó 5 km.
Lúc vào tới khoa Hồi sức cấp cứu, người em tím tái, đồng tử giãn. Cậu bé tử vong sau đó, được xác định do nuốt phải đinh vít xoắn chẹn đường thở.
Tôi lần lại từng giây trong quá trình sơ cứu để xem liệu người lớn có đánh mất một phép màu nào đó không. Bác sĩ tại bệnh viện cho biết với sự cố trên, sau khoảng 2-3 phút bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm nếu không kịp thời xử lý, trong khi từ trường Mầm non Hương Trà đến bệnh viện di chuyển nhanh nhất cũng phải mất 10 phút.
Sau cái chết, sẽ chỉ còn những câu hỏi "giá như". Giá như việc kiểm tra sự cố và đưa cậu bé tới các cơ sở y tế diễn ra nhanh hơn. Giá như người sơ cứu ban đầu cho em là một nhân viên y tế.
Nhân viên y tế của trường đã chuyển công tác từ cuối năm 2018, bàn giao phần việc của mình cho nhân viên kế toán kiêm nhiệm. Khi trẻ hóc dị vật, cô giáo và nhân viên phòng y tế (vốn là kế toán) trở thành những "y tá thế vai". Hiệu phó nhà trường chia sẻ với tôi rằng, bà không dám chắc tình huống này nhân viên y tế có xử lý được không nhưng ít nhất, họ sẽ bình tĩnh và đưa ra phương án tối ưu hơn.
Nhưng tại sao nhân viên y tế vắng mặt?
Tháng 12/2018, thực hiện đề án "sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế", hơn 500 viên chức y tế học đường và nhân viên hợp đồng làm việc tại các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh, từ mầm non đến THPT, được chuyển về các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các bệnh viện tuyến huyện. Trước khi được bố trí việc mới, đa số họ có trình độ trung cấp điều dưỡng, một số ít học cao đẳng điều dưỡng.
Đề án trên được ngành Giáo dục và Y tế thảo luận kỹ, với phương châm tinh gọn bộ máy. Thời điểm đó nhà chức trách đánh giá, bố trí nhân viên y tế tại các trường học là lãng phí về mặt con người, bởi công việc tại cơ sở giáo dục không nhiều. Trong khi đó, các trung tâm y tế và trạm y tế thiếu người. Việc sắp xếp này ngoài tinh giản biên chế và bổ sung nhân lực cho trạm y tế thì còn giúp khắc phục tình trạng lãng phí công suất lao động.
Từ đầu năm 2019, hàng trăm trường học ở Hà Tĩnh "trắng" nhân viên y tế học đường. Chỉ số ít trường do đặc thù học sinh đông, vùng sâu vùng xa được giữ lại dựa trên đề xuất hoặc huy động các nguồn xã hội hóa để ký hợp đồng với người có chuyên môn y tế. Việc quản lý tủ thuốc, phòng y tế; tổ chức khám sức khỏe định kỳ; quản lý hồ sơ sức khỏe của học sinh và giáo viên; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... nay bàn giao cho nhân viên kế toán, văn thư hoặc một số giáo viên kiêm nhiệm.
Hà Tĩnh không phải là trường hợp cá biệt. Kết quả khảo sát của Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) năm 2019 cho thấy: Cả nước có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng chỉ có 74,9% trường có nhân viên y tế. Hơn 25% còn lại hoặc trông cậy vào trạm y tế địa phương, hoặc cử kế toán, văn thư, thủ quỹ kiêm nhiệm, như câu chuyện ở Hà Tĩnh.
Nhưng ngay cả những trường có nhân viên y tế, họ cũng đối mặt với tình trạng thiếu và yếu. "Có" thường là một phòng y tế trang bị thuốc men sơ sài với độc một nhân viên phục vụ. Một nhân viên phục vụ cả trường vài nghìn học sinh - giáo viên, cơ bản là không xuể. Đặc biệt, họ có nhiều hạn chế về chuyên môn.
Một cựu nhân viên y tế học đường, nay là cán bộ phụ trách dân số của trạm y tế thị trấn, chia sẻ chị và các đồng nghiệp trước kia học trung cấp điều dưỡng, sau này có số ít học lên cao đẳng để nâng cao chuyên môn và bậc lương. Mọi người phần lớn chỉ xử lý các sự cố thông thường như vấp ngã, đứt tay đứt chân... Vì thế, tôi hoàn toàn hiểu chia sẻ của hiệu phó, rằng bà cũng không chắc nhân viên y tế có thể xử lý tốt sự cố nuốt dị vật nếu họ thực sự có mặt ở đó.
Cơ sở giáo dục, nhiều điểm không phải lúc nào cũng xây gần trạm y tế hay bệnh viện, vậy khi xảy ra tai nạn, học sinh, giáo viên hay cán bộ cần sơ cứu kịp thời để chuyển đi cấp cứu, ai sẽ làm công việc này. Nếu những "y tá bất đắc dĩ" thực hiện, lỡ có sai sót, quy trách nhiệm cho họ liệu có đúng không?
Hai năm qua, Covid-19 bùng phát, phần lớn trường học trên cả nước tạm đóng cửa. Nhưng tới hôm nay, gần 18 trong tổng số 22,6 triệu học sinh trên cả nước đã đến trường trở lại, trong nguy cơ vẫn còn hiện hữu của virus, tôi nhìn thấy một cuộc khủng hoảng thiếu nhân viên y tế thực sự.
Ở Hà Tĩnh, hôm qua, 37 trường học đóng cửa hoàn toàn (cả trực tiếp và trực tuyến) sau khi các ca nhiễm trong học sinh và giáo viên tăng mạnh. 21 trường khác chuyển sang dạy online vì rải rác có F0. Nhưng các trường học không thể tiếp tục đóng - mở như hai năm qua mà buộc phải duy trì mở cửa, đối diện với các ca F0, F1 có thể xuất hiện hoàn toàn bất ngờ vào một ngày nào đó.
Tôi không dám tưởng tượng, những văn thư, thủ quỹ, kế toán kiêm nhiệm sẽ xoay xở thế nào.
Trong bối cảnh này, không chỉ cần tạm dừng đề án tinh giản nhân viên y tế học đường mà ngược lại, còn phải nâng cao chất lượng y tế học đường bằng cách đầu tư trang thiết bị, tạo môi trường làm việc tốt, thu hút những người giỏi của ngành y với cơ chế đãi ngộ phù hợp, để họ giúp đảm bảo quyền được đến trường an toàn cho học sinh.
Nguồn VnExpress.net
https://vnexpress.net/ke-toan-lam-y-ta-4425576.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá