Kết quả kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ

Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024 | 16:43

Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung đứng trước yêu cầu phải đổi mới để bắt kịp sự phát triển chung của thế giới. Song hành với nỗ lực của ngành Ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra những tư vấn có giá trị và kịp thời giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành hoạt động một cách có hiệu quả, thực chất, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước.

Kịp thời sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua kiểm toán báo cáo tài chính, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đưa ra các kiến nghị thiết thực, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính cũng như công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Hoạt động kiểm toán của KTNN không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của NHNN trong việc quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định nền kinh tế.

Đồng thời, các kiến nghị giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi có thể dẫn đến rủi ro làm thất thoát, lãng phí tài sản và phòng chống tham nhũng hiệu quả. Các nhóm kiến nghị chủ yếu được KTNN đưa ra gồm: kiến nghị về xử lý tài chính; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại NHNN và các đơn vị trực thuộc NHNN.

Kết quả kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ
Các kiến nghị của KTNN giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi có thể dẫn đến rủi ro làm thất thoát, lãng phí tài sản

Các kiến nghị của KTNN đã giúp NHNN kịp thời chấn chỉnh hoạt động, rút ra các bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện được tốt hơn, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với sự phát triển, tiến bộ. Trong đó, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả tất cả các kiến nghị về: xử lý tài chính, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giảm cấp phát thanh toán, hoàn thiện thủ tục quyết toán đối với các dự án xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách.

Trong những năm qua, KTNN cũng đã kiểm toán các nội dung liên quan đến hoạt động của NHNN, như: công tác điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền mặt, điều hành tỷ giá, công tác thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN, công tác xử lý nợ tồn đọng..., thực hiện kiểm toán các chuyên đề, như: Chuyên đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phòng chống dịch Covid-19, kiểm toán hệ thống/dự án công nghệ thông tin.

Qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra các nhận xét, đánh giá về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại NHNN và các đơn vị được kiểm toán. Các kiến nghị giúp sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra; đảm bảo cho NHNN và các đơn vị được kiểm toán tuân thủ đúng pháp luật, chế độ quản lý tài chính, kế toán, hoàn thành nhiệm vụ được giao và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Cảnh báo sớm những rủi ro gây mất an toàn hệ thống

Trong những năm qua, KTNN cũng đã thực hiện kiểm toán đối với công tác thanh tra, giám sát, cấp phép, xử lý ngân hàng yếu kém và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Từ kết quả kiểm toán đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát, cấp phép đối với hệ thống các TCTD.

Tháng 9/2014, KTNN và NHNN đã ký Quy chế phối hợp công tác số 07/QCPH- KTNN-NHNN. Căn cứ quy chế phối hợp này, hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại NHNN.

Năm 2021, KTNN đã phối hợp với NHNN tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện quy chế làm việc. Hai bên đã rà soát, ký kết quy chế phối hợp mới để tiếp tục phát huy lợi thế hợp tác, phát triển giữa hai cơ quan

Trên cơ sơ các nhận định, kiến nghị của KTNN, NHNN đã tiếp tục chú trọng tập trung nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực và sai phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các rủi ro, sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng; tăng cường và đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; giám sát, cảnh báo sớm rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, các TCTD có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng đã kiến nghị khắc phục một số hạn chế, thiếu sót trong hệ thống kiểm soát nội bộ của NHNN. Thực hiện những kiến nghị của KTNN, NHNN đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, ngày càng hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý, từ đó phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động.

Kết quả kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ
Ảnh minh họa

Một dấu mốc không thể không nói đến là sự phối hợp công tác nhịp nhàng giữa hai đơn vị đầu mối thuộc hai cơ quan. Trong đó, KTNN chuyên ngành VII và Vụ Kiểm toán nội bộ, NHNN đã tích cực trao đổi thông tin, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo hai đơn vị để xây dựng, thiết lập mối quan hệ, tăng cường hợp tác mạnh mẽ, có chiều sâu, giúp hoạt động kiểm toán của KTNN cũng như hoạt động điều hành của NHNN được thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

Khái quát lại, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thông qua công tác kiểm toán hàng năm, KTNN đã giúp Chính phủ, Quốc hội có cái nhìn toàn diện về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ, biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia.

“Các đánh giá, kiến nghị của KTNN đã hỗ trợ NHNN trong việc thực thi các nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả điều hành, cải cách chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Hiện nay, trong công tác kiểm toán hoạt động của NHNN, việc xem xét bối cảnh kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều kiện, tâm lý thị trường là hết sức cần thiết để có những đánh giá khách quan về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ” - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Đánh giá tính hợp lý về chi phí vận hành của các ngân hàng

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoạt động kiểm toán của KTNN giúp các TCTD xác định xem các chi phí vận hành nội bộ đã hợp lý chưa. Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, những đánh giá của KTNN về chi phí vận hành nội bộ là một trong những cơ sở, căn cứ để các TCTD tính toán giảm chi phí, lãi suất cho vay một cách phù hợp.