Kết quả kinh doanh quý IV-2022 có “bẻ gãy” xu thế tăng ngắn hạn?

Thứ tư, ngày 8 tháng 2 năm 2023 | 10:26

Cho tới trước phiên đảo chiều giảm mạnh ngày 1-2, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có tháng đầu tiên của năm 2023 tăng trưởng ấn tượng 10,3%. Đây là mức tăng mạnh nhất trong tháng 1 của 5 năm gần nhất, thậm chí 3 năm vừa qua tháng 1 đều là giảm.

 

Kết quả kinh doanh quý IV-2022 có “bẻ gãy” xu thế tăng ngắn hạn?

Còn nếu tính từ đáy sâu nhất trong tháng 11-2022 ở mốc 873,78 điểm, tới đỉnh cao nhất của tháng 1-2023 ở 1.124,3 điểm, VN Index đã tăng tới 28,7%. Nhịp tăng vắt qua 2 năm thường phản ánh kỳ vọng vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV, nhưng năm nay sự tình có thể trái ngược.

Giá đã chạy trước

TTCK phục hồi hơn 28% kể từ đáy là một kết quả rất khả quan. So với nhiều thị trường khác, nhịp phục hồi thoát đáy kém hơn nhiều, như chỉ số S&P500 của Mỹ mới tăng được hơn 17%. Một trong những yếu tố giúp TTCK trong nước phục hồi mạnh là sự kết hợp giữa mức độ điều chỉnh giảm rất sâu trước đó và kết quả kinh doanh khá tích cực của nhóm cổ phiếu (CP) lớn.

Tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất năm 2022 phải kể tới nhóm CP ngân hàng. VCB báo cáo lợi nhuận hợp nhất quý IV-2022 tăng 51,8% so với cùng kỳ 2021, và tính chung cả năm lãi trước thuế 37.358 tỷ đồng, tăng 36%. BID lãi 2022 tăng 70%, MBB tăng 38%, VPB tăng 48%, ACB tăng 50%...

Con số lợi nhuận cao này không khó đoán, vì ngân hàng vẫn “ăn nên làm ra” nhờ tích lũy lợi nhuận từ các quý đầu năm. Đây cũng là động lực để CP ngân hàng có sóng lớn trong ngắn hạn. Chẳng hạn VCB tăng suốt từ giữa tháng 10-2022 tới cuối tháng 1-2023 với mức tăng giá tới trên 50% trong vòng 4 tháng. BID cũng tăng trong thời gian tương tự, CP sinh lời trên 53%. ACB tăng cùng thời gian, biên độ cũng hơn 50%. MBB tăng từ đáy tháng 11-2022 tới trước Tết cũng tăng 51%...

Kết quả kinh doanh quý IV-2022 có “bẻ gãy” xu thế tăng ngắn hạn?  ảnh 1

Các CP chạm đáy ở thời điểm khác nhau nhưng hầu hết đều có biên độ tăng rất mạnh so với bản thân chỉ số đại diện VN Index. Trong hình là biên độ tăng của một vài CP blue-chips nổi bật và một số CP vốn hóa nhỏ so đáy. Giá chốt ngày 1-2-2023.

Thực tế con số lợi nhuận tính dồn cho cả năm 2022 có thể khiến nhà đầu tư (NĐT) bỏ qua những rủi ro. Song một đánh giá của FiinPro cho thấy, 21/27 ngân hàng niêm yết, chiếm 89% vốn hóa của ngành công bố báo cáo tài chính quý IV-2022, với lợi nhuận sau thuế duy trì tăng so với cùng kỳ tăng 23,7%, nhưng giảm 3,9% so với quý III liền trước. Nói cách khác, quý IV-2022 bắt đầu bộc lộ điểm yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng, nhưng nhờ các quý trước “san sẻ” nên con số cả năm vẫn đẹp.

Một số ngân hàng có tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ tín dụng ở mức cao như TCB, VPB và TPB ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý IV giảm đáng kể so với quý III, chủ yếu do tỷ lệ NIM giảm sâu khi chi phí vốn đầu vào tăng cao và áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng. Trích lập dự phòng cũng là khoảng tối của lợi nhuận ngân hàng, và chỉ khi có báo cáo kiểm toán NĐT mới có thể đánh giá một cách trung thực tình trạng nợ xấu như thế nào trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản có quá nhiều biến động trong năm qua.

Tình trạng kinh doanh xấu đi cũng có thể nhìn thấy rất rõ ở nhóm CP ngành thép, như HPG báo lỗ 2.000 tỷ đồng trong quý IV-2022 sau khi đã lỗ 1.700 tỷ đồng trong quý III-2022. HSG báo lỗ quý gần nhất 680 tỷ đồng sau khi lỗ quý liền trước 887 tỷ đồng. NKG quý IV-2022 lỗ 350 tỷ đồng và cả năm 2022 lỗ 67 tỷ đồng trong khi 2021 lãi 2.225 tỷ đồng...

Tuy vậy, CP thép vẫn có đà tăng cực kỳ ấn tượng cùng với xu hướng chung của thị trường, như HPG tăng gần 83% từ đáy tháng 11-2022 tới cuối tháng 1-2023; HSG tăng khoảng 111%, NKG tăng 115%...

 

Một tổng hợp của FiinPro cũng cho thấy đã có 711/1.518 doanh nghiệp (DN) niêm yết, chiếm 68,8% vốn hóa của khối phi tài chính, giảm 52,2% trên nền doanh thu tăng thấp 4,6% và biên EBIT thu hẹp (-3,2 điểm %). Tuy vậy, thống kê trong giai đoạn từ tháng 11-2022 đến hết tháng 1-2023, đã có tới 190 CP đạt mức tăng trưởng giá trên 50%. Kể cả khi kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực thế nào đi nữa, mức tăng trưởng giá nói trên cũng đã là quá bất thường.

TTCK dường như đang trả giá quá cao cho biên độ giảm trước đó. Mức định giá chung P/E của VN Index tại đáy ngày 15-11-2022 là 9,5 lần và đến cuối tháng 1-2023 là 12 lần. Khi kết quả kinh doanh kém trong quý IV được phản ánh vào, mức định giá sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Khó khăn còn ở phía trước

Không khó để tìm thấy lý do giải thích tình trạng sụt giảm lợi nhuận trong quý IV-2022 của các DN. Đó là chi phí đầu vào tăng cao (giá đầu vào và lãi suất vay cao) trong khi thị trường tiêu thụ khó khăn. Cũng có thể lý giải xu hướng tăng ngắn hạn 4 tháng vừa qua của TTCK dựa trên kỳ vọng những gì xấu nhất đã qua. Tuy nhiên, câu hỏi đáng giá là liệu những khó khăn bào mòn lợi nhuận, thậm chí thúc đẩy thua lỗ của DN trong quý IV, đã thực sự qua đi?

Trước mắt, quý I-2023 sẽ là một ẩn số khó đoán, khi các chỉ báo cơ bản của nền kinh tế như tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, xuất khẩu... chưa thấy tín hiệu sáng hơn. Lĩnh vực bất động sản đình trệ chắc chắn còn kéo dài những hệ lụy sang các ngành khác. Hiện chưa có công ty chứng khoán nào đưa ra dự báo triển vọng kết quả kinh doanh quý I-2023, nhưng chừng nào những áp lực từ quý IV-2022 chưa giảm xuống thì rủi ro sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ vẫn còn.

Chẳng hạn mặt bằng lãi suất huy động vẫn được dự báo sẽ còn tăng thêm, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. Ngay cả kịch bản tốt nhất là cuộc đua tăng lãi suất bị chặn đứng, thì mặt bằng lãi suất cao như hiện tại vẫn không thể hạ nhiệt chừng nào áp lực thanh khoản vẫn còn. Chi phí vốn vay cao được đánh giá là áp lực lớn nhất lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm nay.

TTCK trong ngắn hạn vận động theo sức mạnh của dòng tiền, và ngay cả khi bối cảnh xấu giá CP vẫn có thể tăng. Tuy nhiên, để hình thành một xu hướng tăng dài hạn bền vững, luôn cần phải có sự ủng hộ từ yếu tố vĩ mô của nền kinh tế và yếu tố cơ bản của DN.

FiinPro dự báo lợi nhuận năm 2023 tăng chậm lại ở ngành ngân hàng vốn đóng góp 42% tổng lợi nhuận sau thuế và 30% tổng vốn hóa toàn thị trường, và suy giảm ở hầu hết các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như bất động sản, tài nguyên cơ bản (thép), hóa chất vì chi phí vốn tăng cao; cầu tiêu dùng trong nước và thế giới suy giảm do môi trường lãi suất cao, và nghẽn “dòng tiền” trong nền kinh tế.

Nguồn: https://www.saigondautu.com.vn/