Khai thác tiềm năng, tạo đột phá phát triển kinh tế ven biển ở Nam Định

Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024 | 10:34

Tỉnh Nam Định hiện đang tập trung phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển, nhằm hình thành nên vùng kinh tế biển - một trong ba vùng động lực phát triển theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles do Công ty TNHH Top Textiles thuộc tập đoàn Toray (Nhật Bản) đầu tư tại Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông mới đi vào hoạt động.
Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles do Công ty TNHH Top Textiles thuộc tập đoàn Toray (Nhật Bản) đầu tư tại Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông mới đi vào hoạt động.

Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 606 nghìn người, chiếm khoảng 34% dân số toàn tỉnh.

Nơi đây có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển, vùng bãi bồi ngập mặn ven biển có diện tích hơn 22.000ha; có chiều dài bờ biển 72km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi.

Để vùng kinh tế ven biển của Nam Định phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và tạo được sự kết nối đồng bộ với các địa phương khác, đưa Nam Định trở thành địa phương mạnh về biển, làm giàu từ biển, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Trong đó, đề ra định hướng xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững; xây dựng và phát triển các ngành kinh tế vùng ven biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao; trong đó chú trọng phát triển phát triển 4 nhóm ngành gồm: Công nghiệp ven biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản; phát triển kinh tế vùng ven biển phải gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết: Thời gian qua, việc thu hút các nhà đầu tư và các dự án lớn, nhất là vào khu vực ven biển là định hướng được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận; nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm hiểu, đề xuất, triển khai các dự án trọng điểm, có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định.

Có thể kể đến Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (ở thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng), được phát triển trên tổng diện tích gần 2.200ha, nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ đang được tỉnh Nam Định trình Chính phủ phê duyệt. Trong giai đoạn 1, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông triển khai trên diện tích gần 520 ha; đến nay, đã thu hút nhiều dự án đầu tư FDI lớn, với quy mô tổng giá trị vốn đầu tư gần 400 triệu USD; dự kiến tạo việc làm cho gần 10 nghìn lao động.

Điển hình như Dự án Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles do Công ty TNHH Top Textiles thuộc tập đoàn Toray (Nhật Bản) đầu tư, với diện tích 31,2ha, có tổng mức đầu tư 203 triệu USD đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó còn có dự án Yi Da Denim Mill (VN) Co., LTD, của Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 60 triệu USD; dự án nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic (Đài Loan), tổng vốn đầu tư hơn 6 triệu USD; dự án Sanbang Pte. Ltd (Singapore), tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD; dự án nhà máy may Xielong (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 40 triệu USD... Các dự án này đã được cấp giấy phép, đang triển khai và sẽ sớm đi vào hoạt động.

 
Khai thác tiềm năng, tạo đột phá phát triển kinh tế ven biển ở Nam Định ảnh 1

Phối cảnh tổ hợp 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện triển khai tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Đáng chú ý là tỉnh Nam Định đã thu hút được Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 3 nhà máy với tổng vốn đăng ký 98.900 tỷ đồng tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng. Trong đó bao gồm: Dự án Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đăng ký đầu tư 88.000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đăng ký đầu tư 900 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết: Khi các dự án nêu trên được triển khai, đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 16.200 lao động và lao động là người địa phương sẽ được ưu tiên tuyển dụng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị khẳng định, các dự án do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tại khu vực Cồn Xanh là phù hợp chủ trương, mục tiêu về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động; tạo điều kiện cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân; đem lại giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương; khơi dậy và phát huy lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Các dự án này sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ của huyện Nghĩa Hưng; là tiền đề, động lực để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1453, ngày 24/9/2020 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020); tạo mối quan hệ, liên kết kinh tế với các địa phương khác, mở rộng thị trường, trao đổi giao lưu hàng hóa; hiện thực hóa khát vọng khu vực ven biển sẽ trở thành cực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đóng góp quan trọng để đạt mục tiêu đưa Nam Định đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Theo đánh giá của tỉnh Nam Định, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế biển của tỉnh thời gian qua là đáng ghi nhận (vùng kinh tế ven biển hằng năm đóng góp hơn 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn), song tỉnh cũng nghiêm túc nhìn nhận kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Bên cạnh đó là xây dựng, hoàn thiện, quản lý và thực hiện có hiệu quả quy hoạch, bảo đảm phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế ven biển.