Khám hậu Covid-19: Tránh lạm dụng, phát sinh tiêu cực
Khi nỗi lo về đại dịch Covid-19 giảm thì mối lo về sức khỏe hậu Covid-19 lại tăng.
Để công tác khám, chữa bệnh hậu Covid-19 cho người dân được hiệu quả, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết với khám hậu Covid-19, vừa để người dân không hoang mang lo lắng, vừa tránh phát sinh tiêu cực tại cơ sở y tế.
Không phải cứ mắc là khám hậu Covid-19
Thời gian qua, nhiều người dân sau mắc Covid-19 đã gặp một số vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, ho kéo dài, mất ngủ, rụng tóc, triệu chứng tim mạch... và đã đi khám hậu Covid-19.
Khám sàng lọc, tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện E, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Kể từ đầu dịch đến ngày 24/4, Việt Nam có 10.563.502 ca nhiễm Covid-19; 9.086.075 ca khỏi bệnh, con số này còn tăng lên, hậu Covid-19 sẽ tiếp tục là mối quan tâm không nhỏ. Xuất phát từ thực tế, một số phòng khám, cơ sở y tế đã quảng cáo, mở rộng thăm khám hậu Covid-19 với giá cả khá chênh lệch và nhiều dịch vụ đi kèm khiến người dân hoang mang như rơi vào "ma trận". Trước thực trạng đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh để lựa chọn đúng nơi khám bệnh khi có nhu cầu thực sự.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho hay, sau khi bị cúm hoặc nhiễm một loại virus nào đó, người bệnh có thể mệt mỏi kéo dài một vài tuần. Đây là tình trạng rất bình thường. Nếu các triệu chứng của bệnh không gây rối loạn, không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hay sinh hoạt hàng ngày, khả năng lao động thì người dân không cần phải đi khám hậu Covid-19.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, người bệnh chỉ nên đi khám hậu Covid-19 nếu gặp các triệu chứng gây ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt, làm việc thường ngày; hoặc đã từng nhập viện để điều trị Covid-19; hoặc có bệnh nền, dùng thuốc ức chế miễn dịch hay chưa tiêm đủ 2 liều vaccine. Nếu không thuộc một trong các trường hợp trên, thì không cần phải đi khám hậu Covid-19. Tuy nhiên nên đi kiểm tra sức khỏe sau khi âm tính khoảng 6 - 8 tuần.
“Vậy khám hậu Covid là sẽ khám những gì? Các bác sĩ sẽ khám, xét nghiệm một hoặc vài nhóm chuyên khoa như sau: Đánh giá chức năng hô hấp; tim mạch; đánh giá các triệu chứng thần kinh; triệu chứng tiêu hóa; cơ, xương, khớp và các triệu chứng khác nếu có; đồng thời xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận và xét nghiệm các chỉ số về đông máu, các chỉ số về tình trạng viêm” - bác sĩ Hoàng cho biết.
Tránh lạm dụng, khám tràn lan
PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho rằng, sau khi mắc Covid-19, không phải bệnh nhân nào cũng cần phải khám hậu Covid-19. Người dân tự theo dõi, lắng nghe cơ thể xem có những thay đổi bất thường nào như tức ngực, khó thở, ho hay không… Đặc biệt, những người có bệnh nền về tim mạch, huyết áp, tiểu đường… nên đi khám ngay và khám ở những nơi thuộc chuyên khoa. Còn những bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19, không có triệu chứng bất thường, là người trẻ, khỏe, không nên rơi vào thái cực quá lo lắng, lạm dụng hoặc quá chủ quan nếu đã có triệu chứng.
“Khi bệnh nhân đến khám, một số nơi đưa ra các gói khám hoặc đưa ra những đánh giá quá mức cần thiết, điều đó làm ảnh hưởng tới chi phí của người dân. Chúng tôi khuyến cáo, nếu người dân có những dấu hiệu bất thường về những vấn đề nào của cơ thể thì nên tập trung vào giải quyết những vấn đề đó. Đặc biệt, người dân có vấn đề về bệnh nền cũ nên lưu ý tập trung kiểm tra, đánh giá lại xem có sự liên quan giữa bệnh nền và hậu Covid-19 hay không như tức ngực, khó thở, mất ngủ… để tránh khám tràn lan, lạm dụng” - PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần đẩy mạnh giải thích cho người dân hiểu rõ bản chất của hậu Covid-19, đồng thời cụ thể hóa các F0 nên tầm soát sau khi khỏi bệnh, xử lý cơ sở y tế gợi ý hay ép buộc người dân tham gia gói dịch vụ khám sức khỏe hậu Covid-19.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cho người bệnh khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng hướng dẫn chuyên môn do bộ đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2...
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở KCB tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19, thời điểm người dân cần đi và thực hiện khám chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức. Bộ khuyến cáo người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành, các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh...
Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế các tỉnh, TP, Y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm...
Nguồn kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/kham-hau-covid-19-tranh-lam-dung-phat-sinh-tieu-cuc.html
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hà Nội: Số ca mắc sởi, sốt xuất huyết trong tuần cao nhất từ đầu năm