Khẩn trương triển khai đầu tư, cải tạo các dự án lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa
Chiều 4-8, Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo được thành lập theo Quyết định số 2914-QĐ/TU ngày 5-7-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng ban; Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã của thành phố.
Dự kiến bố trí 49.203 tỷ đồng cho 1.469 dự án
Phát biểu định hướng thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm về triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, ngay sau khi có Quyết định số 2914-QĐ/TU, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương phân công thành viên, thành lập Tổ công tác giúp việc và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Nhấn mạnh, đây là các dự án lớn, liên quan đến các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và các chương trình công tác của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ Quy chế hoạt động và chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; định kỳ kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ theo lĩnh vực, địa bàn phân công.
Theo báo cáo của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, thành phố dự kiến đầu tư 3 lĩnh vực là 49.203 tỷ đồng cho 1.469 dự án.
Trong đó, lĩnh vực giáo dục được đầu tư gần 21 nghìn tỷ đồng cho 653 dự án; lĩnh vực y tế hơn 14 nghìn tỷ đồng cho 237 dự án; lĩnh vực di tích hơn 14 nghìn tỷ đồng cho 579 dự án. Đến nay, thành phố đã bố trí vốn trong năm 2021-2022 là hơn 11.291 tỷ đồng để thực hiện các dự án của 3 lĩnh vực. Trong đó, đã bố trí kế hoạch đầu tư vốn 1.204,202 tỷ đồng thực hiện 20 dự án cấp thành phố. Hiện, còn 216 dự án cấp thành phố chưa đủ thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn (119 dự án đầu tư trường học, 33 dự án y tế, 48 dự án tu bổ, tôn tạo di tích). Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao rà soát và đề xuất phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đề xuất dự án.
Ngoài ra, thành phố cũng đã hỗ trợ các quận, huyện, thị xã 10.087,1 tỷ đồng để thực hiện 596 dự án thuộc kế hoạch trong 3 lĩnh vực trên; hiện còn 637 dự án cấp huyện quản lý chưa đủ thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn.
Cũng theo cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, hiện nay, số liệu tại báo cáo của nhiều địa phương chưa đầy đủ theo nội dung yêu cầu và đề cương báo cáo, thống kê thiếu hoặc không báo cáo kết quả giai đoạn 2016-2020; chưa báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch theo nhiệm vụ nội dung tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, không có danh mục thống kê tiến độ cụ thể các dự án thuộc kế hoạch, vì thế, thời gian tới, cần sớm bổ sung đủ thông tin để Ban Chỉ đạo tổng hợp.
Tháo gỡ vướng mắc diện tích đất trong xây dựng trường học
Tại hội nghị, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, đại diện lãnh đạo các quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm đều cho rằng, với các quận trung tâm, khó khăn lớn nhất là diện tích xây dựng trường chuẩn quốc gia. Vì thế, giải pháp là phải nâng tầng các trường hiện hữu để đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, đại diện các quận cũng đề xuất thành phố cân đối ngân sách, bố trí thêm nguồn lực cho các quận trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống y tế, cải tạo, tu bổ, tôn tạo di tích.
Đại diện các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức cho rằng, khối huyện đang rất khó khăn trong việc cân đối vốn để đối ứng triển khai các dự án, nên một số dự án đã phải tính kế hoạch ứng vốn của năm 2023 cho việc này. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án cũng gặp khó khăn, nhưng các huyện sẽ quyết tâm hoàn thành các dự án, giải ngân hết nguồn vốn thành phố hỗ trợ và kế hoạch vốn năm 2022 của địa phương…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở: Văn hóa - Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế đã trao đổi, báo cáo với Ban Chỉ đạo một số nội dung trong quá trình triển khai các dự án thuộc lĩnh vực quản lý; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để nhanh chóng hoàn thành các dự án theo kế hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư thiết bị y tế, đầu tư các trường đạt chuẩn quốc gia…
Tổng hợp nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị, các sở, ngành, địa phương chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ và báo cáo kịp thời với Ban Chỉ đạo tiến độ triển khai, quản lý tốt các dự án, bảo đảm sau khi hoàn thành được người dân hoan nghênh, đặc biệt là lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cho rằng, Ban Chỉ đạo đã triển khai rất kịp thời các nhiệm vụ, do đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải cùng vào cuộc, sát sao và khẩn trương trong thực hiện.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá, các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Trong đó, một số quận, huyện, thị ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa từng nhiệm vụ, qua đó khẳng định đây là nhiệm vụ rất lớn, quan trọng, nhưng cũng là cơ hội, điều kiện để các địa phương phát triển.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo quy chế hoạt động, thành lập tổ giúp việc; các quận, huyện, thị xã sớm thành lập Ban Chỉ đạo, sát sao đầu việc để thúc đẩy nhanh các dự án. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, tổng hợp, báo cáo cập nhật về tiến độ để dễ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc.
“Quá trình triển khai, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các nhiệm vụ thật hiệu quả, dự án đạt chất lượng”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3