Khát vọng Thanh Chương

Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024 | 8:45

Huyện Thanh Chương, địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, cũng là một trong những vùng quê mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Chương đoàn kết tìm hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước bứt phá vươn lên thoát khỏi huyện nghèo, trở thành huyện khá của tỉnh Nghệ An.

Một góc thị trấn Thanh Chương. (Ảnh ÐÌNH CHIẾN)
Một góc thị trấn Thanh Chương. (Ảnh ÐÌNH CHIẾN)

Vượt khó vươn mình

Hạnh Lâm-địa phương đi đầu trong phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, khoảng 20 năm về trước vẫn là xã miền núi biên giới biệt lập, bị chia cắt bởi dòng sông Giăng. Sau khi được Nhà nước đầu tư đường, điện cùng nỗ lực không ngừng của người dân, Hạnh Lâm đã vươn mình phát triển.

Năm 2017, Hạnh Lâm là một trong hai xã biên giới đầu tiên của Nghệ An hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu cuối năm 2024, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thế mạnh của xã là có hơn 400 ha chè, cùng hàng nghìn héc-ta keo, hàng trăm héc-ta rau màu khác... Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 52 triệu đồng.

Theo chân Bí thư Ðảng ủy xã Lê Thị Thủy về Xóm 1, nơi có hơn 120 hộ, chủ yếu thu nhập từ cây chè với diện tích hơn 350 ha. Là người tiên phong đưa cây chè về trồng tại địa phương từ những năm 1990, ông Phan Ðình Ðường, Giám đốc Công ty TNHH chè Ðường Hương nhớ lại: “Năm 1964, tôi theo gia đình cùng 34 hộ dân đầu tiên lên mảnh đất rừng thiêng nước độc này để khai hoang lập làng. Nhiều người vì không chịu được cảnh đói khổ mà đã bỏ làng ra đi. Lớn lên, bản thân tôi cũng đã nhiều lần có ý định vượt dòng sông Giăng để đi tìm vùng đất khác lập nghiệp. Tuy nhiên vì tình đất, tình người, cho nên gia đình tôi quyết tâm bám trụ nơi đây với nghề trồng chè.

Ban đầu, ông Ðường đưa từng bó chè lên thuyền xuôi dòng đến các chợ trong huyện để bán; sau đó, đầu tư máy chế biến chè thủ công, rồi bán sản phẩm cho các nhà máy chè, thu nhập chưa cao. Khi có tích lũy, ông mạnh dạn vay mượn vốn từ ngân hàng, người thân để đầu tư nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông cùng dây chuyền chế biến chè hiện đại trị giá nhiều tỷ đồng để sản xuất chè xuất khẩu.

Hiện, doanh nghiệp của ông đã xuất khẩu các sản phẩm chè sang các nước Pakistan, Afghanistan, Ả-rập Xê-út và nhiều thị trường khác. Ngoài diện tích chè của gia đình, cơ sở chế biến chè Ðường Hương nhận bao tiêu phần lớn diện tích chè của người dân trong vùng và giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân bảy triệu đồng/tháng...

Rời Hạnh Lâm, ngược Quốc lộ 46B đến xã Thanh Liên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Chương Nguyễn Tư Hải Phong vừa dẫn đường vừa giới thiệu: Vốn là địa phương khó khăn nhưng giờ đây, Thanh Liên là xã phát triển nổi bật và đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. “Một trong những bước đột phá để Thanh Liên vươn mình thoát khỏi đói nghèo là việc cán bộ, đảng viên trong xã làm gương, đi đầu trong thực hiện các nghị quyết, phong trào phát triển kinh tế.

Từ đó dân thấy, dân tin và làm theo”, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Liên Phan Bá Ngọc cho biết. Xã có hơn 40 ha đất hoang hóa làm lúa bấp bênh được cán bộ lãnh đạo địa phương đứng ra nhận làm, thông qua đó giúp người dân thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp. Ông Phan Bá Hậu, xóm Liên Ðức chia sẻ: Thấy cán bộ xã tiên phong nhận đất hoang làm trang trại cho thu nhập cao, cho nên nhiều hộ dân trong đó có gia đình tôi cũng học tập, làm theo.

Hiện, gia đình nhận 1 ha đất trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi, mít, ổi, cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, kết hợp hơn 0,5 ha nuôi cá chuyên canh để có thêm nguồn thu... Từ hiệu quả của mô hình kinh tế gia đình mà các cán bộ xã tiên phong đi đầu, đã góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân.

Ðến nay, Thanh Liên có 42 trang trại, gia trại, trung bình mỗi mô hình thu khoảng 200 triệu đồng, mô hình lớn từ 500 đến 600 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, từ đó kéo theo phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng. Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ðến năm 2023, Thanh Liên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện, địa phương đang quyết tâm phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2025.

Không chỉ Hạnh Lâm, Thanh Liên, dọc hai bên đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 46B và các tuyến đường khác ở huyện Thanh Chương đều xanh ngát những đồi chè, với diện tích hơn 4.800 ha chè-nhiều nhất tỉnh Nghệ An, cùng nhiều trang trại cây ăn quả và rừng keo trải dài bất tận.

Những vùng Cát Ngạn, Hoa Quân, Bích Hào… khó khăn trước đây, giờ cũng đã vươn mình, hình thành các thị tứ với các khu dân cư đông đúc, nhiều nhà cao tầng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã cho biết: Là huyện miền núi trung du, sản xuất nông nghiệp vẫn là “mặt trận” trọng tâm hàng đầu của Thanh Chương.

Tận dụng nguồn đất đai lớn, đa dạng thổ nhưỡng cùng sự cần cù, chịu khó, sáng tạo của người dân, Thanh Chương tập trung phát triển kinh tế trang trại, gia trại, gắn chuỗi giá trị sản phẩm theo mô hình an toàn sinh học và phát triển sản xuất hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị cây chè, cam, bưởi giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030...

Ðây là những đề án quan trọng nhằm tạo chuyển biến trong cấp ủy, chính quyền và người dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm để nông nghiệp thật sự là “bệ đỡ” của nền kinh tế.

 
Khát vọng Thanh Chương ảnh 1

Người dân xã Thanh Ðức phủ màn bảo vệ cây trong quy trình trồng cam hữu cơ. (Ảnh THÀNH CHÂU)

Đột phá từ xây dựng hạ tầng giao thông

Nhắc đến Thanh Chương người ta nghĩ đến một vùng đất “tứ tắc”. Hơn 30 năm trước, từ Thanh Chương muốn xuôi Vinh hoặc “ngược Lường”, chỉ có cách duy nhất là đi đò, nếu không đi đò dọc thì cũng phải qua đò ngang rồi mới theo đường bộ mà đi. Ba mươi sáu bến đò trải dài khắp huyện cho thấy việc giao thương, đi lại của người dân khó khăn, vất vả thế nào.

Ðể giải quyết triệt để những vấn đề nêu trên, nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Thanh Chương trăn trở và tranh thủ mọi nguồn lực để tập trung xây dựng hạ tầng giao thông. Ðây được xem là bước đột phá phát triển quan trọng giúp Thanh Chương phá thế “tứ tắc”. Ðiểm nhấn quan trọng nhất là năm 2003, hơn 53 km đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn 11 xã trong huyện được thông xe.

Những cầu Thanh Ðức, cầu Khe Ác, cầu Khe Su, cầu Khe Son, cầu Khe Chẹt,... cùng với con đường thảm nhựa nối liền những vùng cư dân vốn xưa nay sống đâu biết đấy, đã mở cho họ một tầm nhìn mới khi được giao lưu với mọi miền đất nước. Cùng thời gian này, Nhà nước cho xây dựng Ðường 46A từ Cửa Lò qua quê Bác, lên Cửa khẩu Thanh Thủy. Trên con đường đó, cầu Rộ bắc qua sông Lam là một điểm nhấn quan trọng đối với giao thông của Thanh Chương.

Tỉnh Nghệ An cũng ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án nhằm tạo điều kiện cho Thanh Chương phát triển giao thông. Với chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi-măng, địa phương cùng người dân huy động các nguồn lực, trong đó có sự đóng góp của con em xa quê để làm đường.

Nhờ đó, nhiều năm liền, Thanh Chương trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về làm giao thông nông thôn với việc mỗi năm hoàn thành hàng trăm ki-lô-mét đường… Tại xã Thanh Lâm, hơn 400 hộ dân thuộc Xóm 5, Xóm 6 lộ rõ niềm vui vì gần hai năm nay không phải chịu cảnh mưa lội, nắng bụi khi tuyến đường bê-tông nối Quốc lộ 46C tại cầu Mồng đi xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được hoàn thành.

Từ ngày có con đường, việc kết nối giao thương giữa các xã vùng Bích Hào (Thanh Chương) với huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cũng thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Một số tuyến đường, như đường từ xã Thanh Hương nối đường Hồ Chí Minh; đường nối Quốc lộ 46 qua xã Xuân Tường (Thanh Chương) đi xã Nam Hưng (Nam Ðàn); cầu Ðò Cung nối Thanh Chương với Ðô Lương,… được đầu tư nâng cấp, mở rộng cũng đã giải quyết nhiều bức thiết về hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi đi lại của người dân và tăng cường kết nối, giao thương hàng hóa giữa các vùng trong huyện và với các địa phương bạn.

Ðến nay, trên địa bàn huyện Thanh Chương có sáu tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài hơn 170 km cùng nhiều cầu quan trọng bắc qua sông Lam; 17 tuyến đường tỉnh, huyện lộ với tổng chiều dài hơn 240 km và 3.266 km tuyến đường xã, có 1.740 km đạt chuẩn đường nông thôn mới...

Chính từ tháo gỡ một số “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông những năm qua đã tạo thuận lợi cho huyện Thanh Chương thu hút nhiều dự án đầu tư, nhất là các cơ sở chế biến chè dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; nhà máy viên nén sinh khối tại Thanh Hương; nhà máy may tại Thanh Liên, Thanh Phong;… Hạ tầng giao thông phát triển thúc đẩy việc liên kết các điểm du lịch như đảo chè, điểm du lịch cộng đồng thác Liếp, Cửa khẩu Thanh Thủy...

Trong tương lai, các dự án giao thông của quốc gia như: Dự án xây dựng cầu Giăng thay thế cầu treo sông Giăng, Cầu Phuống xóa bến đò Phuống…; kế hoạch đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Viêng Chăn-Hà Nội, trong đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư tuyến đường từ Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) về thành phố Vinh, kết nối tuyến đường bộ cao tốc bắc nam, được triển khai sẽ là cơ hội, động lực quan trọng cho huyện Thanh Chương phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhờ được đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông đã giúp tốc độ tăng trưởng hằng năm của Thanh Chương luôn duy trì hơn 7%, thu nhập bình quân năm 2023 đạt 48,2 triệu đồng/người/năm. Phát huy truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng, đến nay, huyện miền núi này đã có 29/37 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, năm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Thanh Lĩnh đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Thanh Chương đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh….