Khát vọng và con đường phát triển kinh tế số và xã hội số Việt Nam

Chủ nhật, ngày 1 tháng 5 năm 2022 | 17:14

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay Việt Nam quyết tâm hành động để cụ thể hóa những cơ hội phát triển kinh tế số và xã hội số.

Phóng viên: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nếu so với các quốc gia trên thế giới thì Việt Nam nằm ở vị trí nào khi đưa ra chiến lược này thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Có thể khẳng định, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia ban hành sớm Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, đây là phạm trù mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. 

Nếu xét tổng thể về chuyển đổi số, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, năm 2021 ban hành Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số và năm 2022 là Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. 

Tôi cho rằng, tầm nhìn quốc gia đã rõ ràng, kế hoạch hành động quốc gia đã cụ thể. Xét trên góc độ này, quyết tâm của Việt Nam, khát vọng của Việt Nam, sự nhanh nhạy của Việt Nam đã được cụ thể hóa thành văn bản chỉ đạo một cách nhanh chóng. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, khát vọng của Việt Nam, sự nhanh nhạy của Việt Nam đã được cụ thể hóa thành văn bản chỉ đạo một cách nhanh chóng trong chiến lược kinh tế số và xã hội số.

Trong xu hướng phát triển kinh tế số hiện nay, thế giới nhắc nhiều tới các mô hình kinh tế số mới ví dụ như blockchain, vậy công nghệ này có nằm trong Chiến lược phát triển kinh tế số của Chính phủ hay không?

Blockchain là một điểm nhấn đặc biệt đối với kinh tế số vì công nghệ này giúp tài sản hóa các vật phẩm số và hỗ trợ giao dịch số một cách dễ dàng, minh bạch và an toàn. Vai trò của Blockchain đối với kinh tế số trong tương lai gần có thể so sánh với vai trò của các hạ tầng thiết yếu: Điện, đường, trường, trạm đối với sự phát triển kinh tế truyền thống. Chính vì thế mà trên thế giới cũng như ngay tại Việt Nam, đang có làn sóng chuyển đổi các nền tảng giao dịch, thanh toán, mua bán từ hạ tầng cũ sang hạ tầng phân tán dựa trên công nghệ Blockchain, với tốc độ tăng trưởng lên tới hai con số mỗi năm. Phát triển công nghệ, ứng dụng Blockchain cũng có thể là một trong những chiến lược để phát triển kinh tế số, tạo sự đột phá cho Việt Nam. Chính phủ hiện cũng rất quan tâm và đang trong quá trình nghiên cứu hành lang pháp lý để có thể hỗ trợ ứng dụng công nghệ blockchain một cách phù hợp

Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số của Việt Nam được đưa ra dựa trên xu hướng thế giới và đặc thù của Việt Nam như thế nào, để có được chiến lược phù hợp và khả thi thưa ông?

Tôi cho rằng, chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số của Việt Nam là kết quả tham khảo quốc tế một cách có chọn lọc, kết hợp với thực tiễn trong nước. 

Phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa các hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số. Môi trường số là môi trường mang tính toàn cầu. Do vậy, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam được xây dựng để xác định tường minh khái niệm về kinh tế số và xã hội số. 

Việc xác định tường minh nội hàm khái niệm là điều kiện tiên quyết cho việc thống nhất hành động, thúc đẩy phát triển, quản lý và đo lường, giám sát.

Kinh tế số Việt Nam gồm 3 thành phần chính: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu, cùng các dịch vụ trực tuyến trên mạng; Kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

Trong 3 thành phần này, thành phần kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành còn nhiều dư địa phát triển. Định hướng phát triển kinh tế số của Việt Nam là đưa kinh tế số thẩm thấu mặc định vào từng ngành, lĩnh vực thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số.

Xã hội số Việt Nam gồm 8 thành phần chính. Thứ nhất là phương tiện số đảm bảo mỗi người dân một điện thoại thông minh để làm tất cả những gì mình muốn (all-in-one). Thứ hai là kết nối số để đảm bảo mỗi hộ gia đình một đường cáp quang, phổ cập kết nối di động băng rộng. Thứ ba là danh tính số đảm bảo mỗi người dân có danh tính số được xác thực dễ dàng từ xa, qua môi trường mạng, thay vì phải hiện diện trực tiếp. Thứ tư là tài khoản số để cho mỗi người dân một tài khoản thanh toán số để thanh toán cho các giao dịch điện tử, giao dịch số từ xa qua môi trường số.

Thứ năm là chữ ký số với mục tiêu mỗi người dân có chữ ký số cá nhân trên điện thoại thông minh có thể ký số từ xa, qua môi trường số, thay vì phải ký tươi trên bản giấy. Thứ sáu là địa chỉ số khi mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có thể dễ dàng được nhận biết, tìm kiếm trên môi trường số. Thứ bảy là kỹ năng số, với mục tiêu mỗi người dân được trang bị kỹ năng số cơ bản để thao tác, sử dụng ứng dụng, nền tảng số và tự bảo vệ mình trên môi trường số. Và cuối cùng là văn hóa số với mục tiêu làm cho người dân nhận rõ được lợi ích của các dịch vụ số, từ đó hình thành thói quen cho mỗi người dân lựa chọn sử dụng các dịch vụ số một cách tự nhiên, mặc định.  

Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số.

Ông có nói chiến lược này dựa trên xu hướng thế giới và đặc thù của Việt Nam, nhưng chiến lược này độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số hay không?

Chuyển đổi số, hiểu một cách đơn giản nhất, là đưa toàn bộ hoạt động của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ lên môi trường số một cách an toàn. Tôi cho rằng, điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Đây là tinh thần xuyên suốt của Chiến lược. Chiến lược đã nêu tên 54 nền tảng số cụ thể. Trong đó, năm 2022 này xác định 35 nền tảng số ưu tiên triển khai trước.

Chúng ta nhìn thấy cơ hội cho Việt Nam với một thị trường tiềm năng khi có 100 triệu dân, 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 1 triệu doanh nghiệp, 70 nghìn nhà máy sản xuất, 44 nghìn trường học, 14 nghìn cơ sở y tế, hơn 3 nghìn doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, chúng ta xác định điểm đột phá là phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, nhu cầu đặc thù của người dân Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi cũng đưa ra công thức thành công của người Việt Nam là "Nhỏ - Nhanh - Gần và Cơ động" và chiến lược cũng thể hiện rõ công thức này.

Khi người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, họ thấy được lợi ích sẽ phát triển kinh tế số và xã hội số. Mỗi người dân có cơ hội trở thành một “doanh nhân số”. Mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ sản xuất kinh doanh có cơ hội trở thành một doanh nghiệp số. Chuyển đổi số thành công thì cần nhỏ tới mức từng người dân, từng doanh nghiệp, từng tổ chức nhỏ. Vì nhỏ nên chúng ta có thể nhanh, linh hoạt. Chuyển đổi số thì "cá nhanh thắng cá chậm", chứ không phải "cá to nuốt cá bé".

Giải pháp đặc thù Việt Nam là tận dụng và phát triển mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số đông đảo hiện có trên 60.000 doanh nghiệp, có những tập đoàn công nghệ lớn, thuộc cả khối doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân, hàng đầu trong khu vực và các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ sáng tạo. Doanh nghiệp Việt Nam tập trung phát triển các nền tảng số Make in Việt Nam, ở ngay bên cạnh người dùng Việt Nam, đó là gần.

Tiếp đó là tổ chức mạng lưới công nghệ số cộng đồng, thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng để đưa các nền tảng số tới với người dân, hướng dẫn người dân và hỗ trợ người dân nhanh nhất có thể, đó là gần. Tổ công nghệ số cộng đồng có thể do Đoàn Thanh niên và các doanh nghiệp công nghệ số làm nòng cốt, tổ chức theo nhóm ít người để tiếp cận tới từng người dân, từng hộ gia đình đó là nhỏ. 

Cuối cùng là việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến toàn dân với hệ thống truyền thông rộng khắp, đến tận cấp cơ sở, đó là gần. Khi đã xác định được đúng mục tiêu, đúng công cụ, thì có thể nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến tới toàn dân. Việc phổ cập công nghệ phòng chống dịch trong năm 2021 là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. 

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, điểm độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam

Ông vừa nói đến yếu tố đột phá của chiến lược này, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn? 

Chiến lược quốc gia đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để phát triển 9 yếu tố nền móng, 7 ngành, lĩnh vực trọng tâm và 8 nhóm giải pháp. Vì vậy, một số điểm đột phá khác là về thể chế. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá của thể chế là sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, ban hành chính sách thúc đẩy hoạt động trực tuyến nhanh hơn, dễ dàng hơn, rẻ hơn và an toàn hơn. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ chuyển sang hoạt động trên môi trường số một cách tự nhiên. 

Ví dụ như dịch vụ công trực tuyến quy định thu phí, lệ phí thấp hơn, thời gian trả kết quả nhanh hơn, thì người dân, doanh nghiệp sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay vì nộp hồ sơ trực tiếp. 

Về hạ tầng số, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá của hạ tầng số là phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tới hộ gia đình, phổ cập điện toán đám mây tới doanh nghiệp do Việt Nam làm chủ công nghệ lõi. 

Trên đây cũng là điểm đặc thù Việt Nam có thể làm nhanh hơn các nước khác.

Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch ngừng phát sóng 2G và chuyển băng tần của 2G cho các công nghệ di động tiên tiến hơn như 4G, 5G. Trong đó, một trong những việc làm quan trọng cần làm là giảm số lượng người sử dụng điện thoại 2G. Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – phần truy cập vô tuyến" quy định tất cả các thiết bị di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải được tích hợp công nghệ 4G. Song song với đó là đồng hành cùng với các doanh nghiệp công nghệ để cung cấp các thiết bị điện thoại, máy tính bảng chi phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân.

Về dữ liệu số, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá của dữ liệu số là phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc theo các nguyên tắc một trường dữ liệu chỉ do một cơ quan thu thập, quản lý và chia sẻ cho các cơ quan khác dùng chung. Bên cạnh đó, người dân cung cấp dữ liệu một lần khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Đối với các thông tin, tài liệu đã cung cấp, không yêu cầu người dân cung cấp lại.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức sẽ giúp người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần; giúp công chức, viên chức, người lao động không phải nhập dữ liệu, tổng hợp dữ liệu trên nhiều phần mềm khác nhau; giúp lãnh đạo có thông tin tổng hợp, thống nhất, tin cậy để có quyết định kịp thời, hiệu quả; giúp tăng cường sử dụng lại dữ liệu, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

Tôi ví dụ với mỗi giao dịch giúp tiết kiệm 3.000 đồng cho xã hội như chi phí di chuyển đến-về chỗ chứng thực giấy tờ bản giấy, chi phí chứng thực giấy tờ, thời gian chờ, chi phí xử lý của công chức; chưa kể chi phí cơ hội, chi phí lưu trữ giấy tờ bản giấy... việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho xã hội trong thời gian qua.

Kho dữ liệu mở được hình thành sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dán nhãn dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo. 

Về an toàn an ninh mạng, chúng ta đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá của an toàn, an ninh mạng là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản và chữ ký số tới người dân.

Người dân là đối tượng chưa được trang bị đồng đều, đầy đủ về các kỹ năng tự bảo vệ trên không gian mạng. Việc đưa người dân lên môi trường mạng khi chưa được trang bị kỹ năng đầy đủ có thể tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro bị tấn công, lừa đảo trên mạng. 

Thống kê cho thấy, các cuộc tấn công, lừa đảo trên mạng chủ yếu (khoảng 80%) xuất phát từ việc thiếu kỹ năng số cơ bản. Do vậy, phổ cập các dịch vụ an toàn thông tin mạng miễn phí sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt kỹ năng số của người dân, bảo vệ người dân đến 80% các trường hợp.

Do vậy, kèm theo mục tiêu mỗi người dân một điện thoại thông minh là thực hiện mục tiêu mỗi người dân cài đặt ứng dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản trên điện thoại di động.

Ngoài ra, người dân phổ cập chữ ký số để thực hiện các giao dịch trên môi trường số một cách an toàn. Chữ ký số, được thực hiện thông qua các thuật toán phức tạp, có tính bảo mật cao sẽ an toàn hơn chữ ký tươi vốn rất dễ giả mạo.   

Đối với nhân lực số, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá của nhân lực số là triển khai đại học số, toàn trình trực tuyến, học liệu cá nhân hóa, hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 100.000 – 150.000 nhân lực kỹ thuật số trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. 

Đại học số, hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số. Và vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, mô hình hoạt động của một trường đại học số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương. 

Mục tiêu tới 2025, Việt Nam có tối thiểu 5 trường đại học đào tạo chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, an toàn thông tin mạng hoạt động theo mô hình đại học số. 

Trong chuyển đổi số, kỹ năng số là quan trọng nhất để đưa người dân lên môi trường số một cách an toàn, lành mạnh. Việt Nam có 100 triệu dân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện việc đào tạo kỹ năng số cho 100 triệu dân Việt Nam một cách hiệu quả để tận dụng được cơ hội mà chuyển đổi số mang lại. 

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập kỹ năng số toàn dân thông qua Nền tảng Khóa học trực tuyến mở đại trà (MOOCS). Nền tảng cung cấp khóa học trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo để tự động đánh giá, phân tích trong suốt quá trình học tập để điều chỉnh, cá nhân hóa tới từng người học. Nền tảng MOOCS góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt giáo viên giỏi, giúp các em học sinh, sinh viên trên cả nước tiếp cận được với các giáo viên giỏi nhất.

Về thanh toán số, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập thanh toán số, Mobile Money. Bộ TT&TT đã phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước triển khai thí điểm Mobile Money. Trong năm 2022 dự kiến có thể đạt được hơn 180.000 điểm giao dịch phổ cập tới 100% xã phường trên cả nước. Đây sẽ là chìa khóa để thúc đẩy phổ cập nền tảng thanh toán số tới toàn dân. 

Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Chuyển đổi số là một hành trình dài đầy thách thức nhưng cũng đầy ý nghĩa. Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ ngành, địa phương trên hành trình này.

Cảm ơn ông! 

 

 

Nguồn vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/khat-vong-va-con-duong-phat-trien-kinh-te-so-va-xa-hoi-so-viet-nam-2014890.html