Khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, cần trừ cả chi phí đã ủng hộ công tác phòng chống dịch
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến cho rằng, việc doanh nghiệp ủng hộ bằng tiền và hiện vật cho công tác phòng chống dịch COVID-19 thì đều phải tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đang được xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV), đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho biết: “Chính sách này được trình mang tính cấp thiết, phù hợp và kịp thời. Chính phủ đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu rất đầy đủ, kỹ lưỡng kèm theo tờ trình”.
Theo đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, đến chuỗi sản xuất, cung - cầu toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã sử dụng các gói chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, lấy lại nhịp độ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và cũng đã rất thành công.
“Việt Nam trong thời gian qua cũng đã chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề của dịch bệnh, làm cho cuộc sống của đại đa số người dân gặp khốn khó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh thu của doanh nghiệp giảm sút. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với giải pháp tài khóa, tiền tệ và huy động nguồn lực là con số rất lớn so với các gói hỗ trợ từ trước tới nay. Có được gói hỗ trợ này, doanh nghiệp và người dân được tiếp sức, sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt", đại biểu Quốc hội nói.
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến.
Đối với 9 nội dung Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng thời đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch. Theo đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến, Chính phủ trình Quốc hội quyết định để thực hiện chính sách này là đúng đắn, thể hiện sự ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đảm bảo an sinh xã hội.
“Thực tế chúng ta thấy việc ủng hộ này có thể có một số lo ngại trong việc nâng giá hiện vật lên so với giá trị thật như đã từng xảy ra trong thời gian qua, nhưng không nên đánh đồng hành vi này cho tất cả, không nên vì “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà Quốc hội không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật của doanh nghiệp. Theo tôi, việc cần bàn là làm thế nào để có các giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo đạt kết quả tốt, việc nâng giá, khống giá đã có các quy định của pháp luật làm hành lang quản lý, ai vi phạm thì bị xử lý. Riêng cá nhân tôi nhất trí đồng thuận ủng hộ phương án 1, doanh nghiệp ủng hộ bằng tiền và hiện vật đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế, thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, hỗ trợ bằng hiện vật như vật tư y tế, lương thực thực phẩm rất hiệu quả và thiết thực, đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo đời sống cho nhân dân”, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến nhấn mạnh.
Thứ hai, cử tri cả nước rất mong muốn được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng thật tốt, trước mắt là đường giao thông. Cử tri thấy phấn khởi khi Chính phủ trình chương trình đã xác định khung những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp 4, đó là phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, với mục tiêu kế hoạch là phấn đấu sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, hạ tầng giao thông kết nối các vùng cảng biển, cửa khẩu khu và trạm công nghiệp…
Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, cân đối kinh phí để sửa chữa, nâng cấp những đoạn đường đã xuống cấp, tạo điều kiện để một số dự án đường cao tốc vùng núi phía Bắc được triển khai sớm hơn so với thời gian được ghi trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như đoạn đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang, Sơn La - Điện Biên.
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến nêu rõ: “Những tuyến đường này có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thông trong nước với cửa khẩu. Và hơn thế nữa, đây là tuyến đường trọng yếu về quốc phòng, an ninh vùng biên giới giới phía Bắc và tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang thì đã được Chính phủ trình trong chương trình này. Tôi đề nghị Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức triển khai”.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/khi-tinh-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-can-tru-ca-chi-phi-da-ung-ho-cong-tac-phong-chong-dich-post176466.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam