Kết quả đó có được nhờ chủ trương đúng từ nghị quyết, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, cách làm sâu sát, cụ thể của chính quyền từng bước giúp đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi, khơi dậy ý chí thoát nghèo…
“Làn gió mới” từ Nghị quyết 05
Về bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch thăm các gia đình thành công với mô hình nuôi nhốt trâu, bò, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tấm lòng, trách nhiệm của cán bộ, công chức Mường Nhé với cuộc sống đồng bào nơi này. Ông Giàng A Dua, Trưởng bản Cây Sặt vui mừng cho biết: Không còn là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, cuộc sống của người dân trong bản Cây Sặt giờ đã tốt hơn trước rất nhiều.
Chuyển biến rõ nhất là mỗi người dân trong bản Cây Sặt đều hiểu hiệu quả khác biệt của cách chăn nuôi gia súc theo hình thức nuôi nhốt thay cho thói quen nuôi thả rông. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng cho trâu, bò; được xã cấp cây giống cỏ voi, đến nay hầu hết các gia đình trong bản đều có đàn trâu, bò từ vài con đến vài chục con; nhiều nhà có hàng chục con trâu, bò; góp phần nâng tổng đàn trâu, bò của xã đạt gần 1.000 con.
Chung cách phát triển chăn nuôi trâu, bò như Cây Sặt, hiện tất cả 8 bản trong xã Huổi Lếch đều mở rộng mô hình chăn nuôi này. Ông Sùng A Nếnh, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Lếch cho biết: Ngoài cây lúa nương, trước đây bà con dân tộc H’Mông ở 8 bản trong xã đều nuôi thêm trâu, bò, dê, lợn theo hình thức thả rông cho nên vật nuôi chậm lớn, hay bị bệnh chết. Song từ khi Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 19/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện được ban hành, thì mỗi người dân trong xã Huổi Lếch đã như nhận được “luồng gió mới”, đồng bào mạnh dạn thay đổi thói quen, tư duy và cách làm.
Tại các buổi họp bản, người dân được nghe các đồng chí trưởng bản, bí thư chi bộ bản thông tin đầy đủ các giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc theo nội dung Nghị quyết 05 và chính sách đặc thù hỗ trợ chăn nuôi gia súc do huyện ban hành. Cụ thể, huyện dành riêng kinh phí ưu tiên hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi liên kết theo hình thức tập trung trong giai đoạn đầu (từ 1-3 năm); với mỗi gia đình đăng ký phát triển chăn nuôi trong quy mô hộ gia đình thì được huyện hỗ trợ giống cỏ voi, được ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp về tận bản hỗ trợ thủ tục vay vốn. Hằng năm, các gia đình thực hiện mô hình chăn nuôi được tham gia tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc gia súc.
Chính nhờ thông suốt chủ trương, mục tiêu Nghị quyết 05 và hiểu tường tận chính sách đặc thù hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc do huyện đề ra, người dân xã Huổi Lếch nói riêng, người dân trong huyện Mường Nhé nói chung đã đồng thuận cao với chủ trương chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt có chuồng, trại. Tính riêng kinh phí người dân tự đầu tư chuyển đổi hình thức chăn nuôi lên tới hơn 17 tỷ đồng.
Sát cơ sở “gỡ vướng” kịp thời
Nhắc lại thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết 05, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng nhớ như in những khó khăn bộn bề: Dịch Covid-19 trên người; dịch bệnh viêm da nổi cục, bệnh tụ huyết trùng, bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò và bệnh tả châu Phi trên đàn lợn khiến nhiều gia đình kiệt quệ. Cùng với đó là hàng nghìn lao động mất việc làm do dịch từ các địa phương khác trở về khiến công tác bảo đảm an sinh, xã hội của huyện càng thêm khó. Để khắc phục, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Nhé đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết chuyên đề.
Trong đó ưu tiên triển khai Nghị quyết 05 về phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung để tạo việc làm cho lao động tại chỗ; đồng thời hạn chế tình trạng phá rừng làm nương do người dân không có việc làm.
Ngoài 10 giải pháp được đề cập trong Nghị quyết 05, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công, giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn cụ thể đến từng thành viên Ban Chỉ đạo với yêu cầu “mỗi đồng chí phụ trách xã phải thường xuyên về xã nắm tình hình triển khai nghị quyết; nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời”. Từ các thông tin, báo cáo từ cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Nhé đã chỉ đạo tháo gỡ hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng cho biết: Tổng hợp kiến nghị của nhân dân, mới đây, Huyện ủy Mường Nhé đã chủ trì buổi đối thoại giữa các phòng, ban với 115 trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín xoay quanh nội dung triển khai các nghị quyết phát triển kinh tế tại địa phương. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, hầu hết các trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín đều nêu ý kiến với mong muốn được các ngân hàng hỗ trợ bà con vay thêm vốn, hỗ trợ làm thủ tục vay vốn và thường xuyên được thông tin về các chương trình cho vay mới…
Tổng hợp các ý kiến của bà con, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND 11 xã phân công cán bộ, viên chức cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp về từng bản rà soát nhu cầu vay vốn của người dân để các ngân hàng chủ động điều tiết nguồn vay. Xuyên suốt quan điểm chỉ đạo “nghị quyết vướng ở đâu thì gỡ ngay tại đó”, Huyện ủy Mường Nhé yêu cầu mỗi cá nhân được giao việc phải sát sao cơ sở, lắng nghe đầy đủ phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Nhờ vậy, cho dù nguồn ngân sách huyện rất hạn hẹp nhưng năm 2021, UBND huyện Mường Nhé đã dành 1,1 tỷ đồng cấp cho 11 xã (mỗi xã 100 triệu đồng) mua cây giống cỏ voi cấp cho nhân dân; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân hơn 30 tỷ đồng cho vay phát triển chăn nuôi, sản xuất. Đến cuối năm 2021, toàn huyện đã trồng được 106,45ha cỏ chăn nuôi (đạt 53,2% so với mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2025); tổng đàn trâu, bò toàn huyện 17.108 con (đạt 95% so với mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2025).