Nguồn: MBS Research. Đồ họa: TL |
Khối ngoại bán ròng mạnh, vì sao?
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua tháng 5 với diễn biến tương đối tích cực. Chỉ số VN-Index có tháng hồi phục khá tốt, đạt 1.261,72 điểm, tăng lần lượt +4,32% so với cuối tháng 4/2024 và tăng +11,66% so với cuối năm 2023.
Thanh khoản toàn thị trường tháng 5 mặc dù có giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn duy trì ở mức khả quan. Theo đó, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn trong tháng 5 đạt 25.054 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 21.802 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ -1% so với tháng trước, song vẫn tăng +5,7% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm.
Những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, lãi suất liên ngân hàng đang giảm trở lại về ngưỡng 3 - 4%/năm, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm, cho thấy tình hình căng thẳng tỷ giá hạ nhiệt trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, biện pháp mới để bình ổn thị trường vàng cũng góp phần giảm nhiệt tỷ giá. 2 phiên giao dịch đầu tháng 6, giá trị bán ròng của khối ngoại giảm đi đáng kể - Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty CK Kiến Thiết Việt Nam. |
Dòng tiền hỗ trợ thị trường trong tháng 5 chủ yếu là từ khối nội, trong khi đó, khối ngoại đã bán ròng rất mạnh trong tháng qua. Thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 1.900 tỷ đồng trên cả bán 3 sàn. Lũy kế từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 36.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Như vậy, con số bán ròng của khối ngoại trong 5 tháng đầu năm đã vượt cả năm 2023 (khoảng 22.800 tỷ đồng), trong khi đó, cùng kỳ 2023, khối ngoại đã mua ròng hơn 2.300 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam là do chênh lệch giữa lãi suất điều hành của FED với đồng USD (5% - 5,25%/năm) với lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước với VND (4,5%/năm) khiến lợi suất tại Mỹ hấp dẫn tương đối so với lợi suất USD tại Việt Nam. “Việc FED duy trì lãi suất cao lâu hơn trong năm 2024, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất VND cuối năm 2023 đã khiến VND giảm giá so với USD. Do vậy, tỷ giá tăng gần 5% trong 5 tháng đầu năm là một yếu tố bất lợi khiến FDI tăng chậm lại và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) bán ròng lớn, do lo ngại VND có còn chịu áp lực mất giá thêm trong thời gian tới” - ông Đỗ Bảo Ngọc nói.
Một chuyên gia khác còn cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do FED giữ lãi suất cao trong thời gian dài và câu chuyện tỷ giá tăng “nóng”, thì việc vốn ngoại rút ròng cũng là xu thế chung của nhiều thị trường cận biên và mới nổi. Dòng tiền các quỹ chủ động và các quỹ ETF đã rút ròng để tìm kiếm cơ hội sinh lời ở các thị trường phát triển khi lãi suất USD vẫn neo ở mức cao.
Chưa tác động lớn tới xu thế tăng
Nhiều chuyên gia đều cho rằng, việc khối ngoại bán ròng kỷ lục trong thời gian qua ít nhiều đã tác động tới xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong nước. Khối ngoại bán mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng bị ảnh hưởng, mặc dù không quá lớn. Trên thực tế, dòng tiền nhà đầu tư nội vẫn duy trì ở mức khá tốt và là động lực hỗ trợ thị trường tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2024.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, khối ngoại bán ròng lớn, nhất là ở các mã vốn hóa lơn đã khiến mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam thấp hơn so với kỳ vọng. Nếu dòng tiền khối ngoại mua ròng, kết hợp với các yếu tố vĩ mô tích cực, mặt bằng lãi suất thấp và lợi nhuận cải thiện… thì có thể VN-Index sẽ có mức tăng cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong xu thế tăng trưởng, khi chỉ số VN-Index vẫn tăng hơn 11,6% so với cuối năm 2023.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, dòng tiền khối nội vẫn là động lực chính trên thị trường chứng khoán trong nước. Dòng tiền khối ngoại chỉ chiếm khoảng 10% giá trị giao dịch trên toàn thị trường, nên sẽ không tác động quá lớn tới xu hướng chung. Trên thực tế, mặc dù khối ngoại bán ròng rất mạnh, nhưng chỉ số VN-Index vẫn duy trì đà tăng và trong quá khứ, có những năm khối ngoại mua ròng nhưng chỉ số lại giảm điểm.
Bàn về các yếu tố ảnh hưởng giao dịch khối ngoại trong thời gian tới, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, yếu tố chênh lệch lãi suất và tỷ giá vẫn là các yếu tố chính ảnh hưởng tới khả năng tiếp tục bán ròng lớn hay giảm bán ròng, hoặc mua ròng trở lại của khối ngoại. “Kỳ vọng FED sớm giảm lãi suất USD, hỗ trợ tỷ giá VND/USD hạ nhiệt, qua đó làm khối ngoại giảm bán ròng trong thời gian tới” - ông Ngọc nói.