Khởi sắc thị trường xuất khẩu lao động
Thích ứng với trạng thái "bình thường mới", cơ quan chức năng và các đơn vị xuất khẩu lao động đã nhanh chóng khởi động lại thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khoảng thời gian "đóng cửa" phòng, chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này, thị trường xuất khẩu lao động đã khởi sắc trở lại. Mục tiêu đưa hơn 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 đã không còn là bất khả thi.
Một lớp đào tạo nghề cho lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Lao động xuất cảnh tăng trở lại
Sau khi các chuyến bay đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khôi phục trở lại (từ tháng 3-2022), các đơn vị xuất khẩu lao động đã đăng thông báo tuyển dụng, tìm kiếm nguồn lao động bị “đứt gãy” do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; hoàn thiện các thủ tục đưa người lao động sang nước ngoài làm việc ngay từ cuối tháng 3-2022, đồng thời lập kế hoạch phục hồi thị trường xuất khẩu lao động.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị xuất khẩu lao động, nhiều lao động đã có cơ hội được ra nước ngoài làm việc sau thời gian dài ở nhà chờ đợi vì dịch Covid-19. Đơn cử như trường hợp của anh Trần Xuân Tự (quê ở Hà Tĩnh), được Công ty cổ phần LMK Việt Nam đào tạo và huấn luyện nghề lắp ráp máy để sang Romania làm việc. Sau nhiều lần phải tạm hoãn, cuối tháng 3-2022, anh đã đến được Romania làm việc với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Trường hợp khác là chị Nguyễn Thu Trang (quê Thanh Hóa), cũng phải ở nhà một thời gian vì dịch bệnh. Hiện chị đang hoàn tất những sự chuẩn bị cuối cùng trước khi sang Singapore làm việc.
Mặc dù, lao động xuất cảnh tăng trở lại, song thị trường xuất khẩu lao động vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) Nguyễn Đức Nam cho biết, từ khi cả nước bước vào trạng thái "bình thường mới", công ty đã đưa gần 40 lao động sang nước ngoài làm việc. So với giai đoạn dịch bệnh không có lao động nào được xuất cảnh thì con số này cho thấy thị trường đang trên đà hồi phục. Hiện khó khăn lớn nhất là tuyển lao động vì qua đợt dịch Covid-19, nhiều người đã từ bỏ ý định đi làm việc ở nước ngoài dù có visa, trúng tuyển đi xuất khẩu lao động. Hơn nữa, nhiều lao động có tay nghề được các doanh nghiệp tại Việt Nam trọng dụng với mức lương cao nên chuyển hướng ở lại quê hương...
Lớp đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Công ty cổ phần LMK Việt Nam.
Chủ động tìm hướng đi mới
Trước thực tế trên, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải tìm hướng đi mới. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Nguyễn Đức Nam cho biết, thay vì gặp khó khăn trong tuyển lao động có tay nghề, trình độ như hiện nay, công ty chuyển sang tuyển dụng lao động phổ thông và đào tạo nghề tại chỗ ngắn hạn miễn phí hoặc hỗ trợ học phí để thu hút lao động. Đối với thị trường Nhật Bản, công ty đàm phán với phía đối tác hỗ trợ tiền học tiếng Nhật từ 5 đến10 triệu đồng/người để khuyến khích lao động tham gia. Còn với thị trường châu Âu, đặc biệt là Romania có nhu cầu tuyển dụng lao động, công ty có chính sách hỗ trợ cho mỗi lao động 3 triệu đồng học phí ngoại ngữ và học nghề.
Tương tự, Giám đốc Công ty cổ phần LMK Việt Nam Hoàng Cao Khải cho biết, do nhu cầu đi nước ngoài làm việc của lao động có tay nghề giảm nên công ty buộc phải tìm hướng đi mới là tập trung vào đào tạo nghề cho lao động phổ thông, “biến” họ từ lao động phụ thành lao động chính. Để thực hiện tốt sự chuyển dịch này, công ty đầu tư cơ sở vật chất, giáo trình mới đào tạo nghề ngắn hạn, xây dựng mô hình đào tạo thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.
“Hiện nay, công ty đang đào tạo nghề hàn cho lao động để cung cấp sang thị trường châu Âu và nghề xây dựng sang thị trường Singapore. Công ty đã hình thành mô hình đào tạo tại chỗ, giáo trình thực tiễn, lao động “thực chiến” từ 15 đến 20 ngày là có thể tiếp cận các kỹ năng làm việc cơ bản”, ông Hoàng Cao Khải thông tin.
Về phía cơ quan chức năng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho biết, từ đầu năm đến ngày 15-6-2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người, tập trung tại một số thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Hungary… Mặc dù sau dịch bệnh nhiều thị trường chưa tiếp nhận lao động ngay, nhưng chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 là đưa hơn 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, Cục sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, địa phương cũng như các đơn vị xuất khẩu lao động.
Cùng với các thị trường truyền thống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận mới để mở rộng thị trường lao động ngoài nước. Cùng với đó, nâng cao năng lực, chất lượng, trình độ chuyên môn, kỷ luật, ngoại ngữ cho người lao động để tiếp cận được nhiều thị trường khó tính, phát triển thị trường xuất khẩu lao động hiệu quả hơn nữa.
Nguồn http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1035539/khoi-sac-thi-truong-xuat-khau-lao-dong
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3