Không để các thị trường tài sản tăng trưởng nóng
Kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro, bất ổn khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, những rủi ro của hệ thống tài chính cũng đang lớn dần với mức tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành.
Đây là một số nội dung chính trong Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Chúng tôi đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế quốc dân về vấn đề này.
Nhận diện rủi ro thị trường tài chính
Phóng viên: Thưa ông, vì sao nhóm nghiên cứu chọn nội dung “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính” là chủ đề cho báo cáo Đánh giá kinh tế thường viên Việt Nam năm 2021?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành: Những bất ổn trong khu vực tài chính đã manh nha từ cuối năm 2020, khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn vì đại dịch khiến dòng tiền đầu tư có xu hướng chảy mạnh vào các thị trường tài sản. Năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn hơn do ảnh hưởng nặng nề của biến chủng Delta, dòng tiền nhàn rỗi đổ vào các kênh đầu cơ tiếp tục tăng lên, gây những rủi ro, bất ổn trong hệ thống tài chính.
Những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 ban đầu ảnh hưởng đến khu vực kinh tế thực nhưng hiện nay đã lây nhiễm ở mức độ cao sang khu vực tài chính tiền tệ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu lựa chọn chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nhằm tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2021, đánh giá thực trạng và cảnh báo những nguy cơ bất ổn vĩ mô, bất ổn tài chính. Từ đó đề xuất, khuyến nghị những chính sách trong điều hành kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo, hướng đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Phóng viên: Những bất ổn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hiện nay sẽ ảnh hưởng thế nào đến thành quả giữ ổn định kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đã duy trì được trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 2 năm chống chịu với đại dịch Covid-19?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành: Bất ổn kinh tế vĩ mô và bất ổn tài chính xuất phát từ những rủi ro tại 4 khu vực chính của nền kinh tế, gồm khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính ngân sách và khu vực tài chính tiền tệ. 4 khu vực này có tương tác với nhau, trong đó, khu vực tài chính tiền tệ đang chịu rủi ro chéo của tất cả các khu vực kinh tế.
Về rủi ro bất ổn tại khu vực tài chính tiền tệ, mối quan tâm lớn nhất hiện nay là thị trường nợ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, tính tỷ lệ trên GDP không lớn so quốc gia khác nhưng lại có rủi ro vì 40% trái phiếu phát hành là của doanh nghiệp bất động sản. Không chỉ quy mô phát hành tăng cao, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng ở mức cao nhất, lên đến 12-13%/năm.
Gần 30% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không có tài sản bảo đảm, hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu nên chất lượng tài sản bảo đảm kém, mức độ rủi ro lớn. 80% giá trị trái phiếu phát hành thuộc về doanh nghiệp chưa niêm yết. Do đó, khả năng tiếp cận thông tin, tính minh bạch của doanh nghiệp rất hạn chế, mập mờ thông tin trong sử dụng dòng tiền, như trường hợp của Tân Hoàng Minh, dẫn đến đẩy rủi ro cho người mua. Hiện Việt Nam cũng thiếu vắng thông tin xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ.
Những rủi ro nói trên của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ lây chéo cho ngân hàng và công ty chứng khoán vì 74% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản do ngân hàng và công ty chứng khoán thuộc ngân hàng nắm giữ. Bản thân thị trường chứng khoán cũng tồn tại những rủi ro, bất ổn, thể hiện ở mức độ nhà đầu tư cá nhân mới, thiếu hiểu biết thị trường tăng kỷ lục. Số lượng doanh nghiệp niêm yết ít, gây mất cân đối cung cầu trong khi chất lượng không đồng đều. Tình trạng thao túng giá cổ phiếu có dấu hiệu nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến niềm tin và tính minh bạch thị trường. Rủi ro bong bóng của thị trường ngày càng rõ khi tỷ lệ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu ở mức 130%.
Những bất ổn của khu vực tài chính tiền tệ như chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu tăng, thị trường chứng khoán chưa thực sự lành mạnh... sẽ có tác động ngược trở lại các khu vực khác, đặc biệt là ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế.
Hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất
Phóng viên: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn nội tại và ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Báo cáo nhận định thế nào trong triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành: Chúng tôi cho rằng, tăng trưởng năm 2022 có khả năng đạt được mục tiêu 6,5% nhưng lạm phát dưới 4% là khó. Động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tàu khu vực kinh tế đối ngoại, đầu tư công, tác dụng của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đây cũng là thời điểm ngành dịch vụ có cơ hội phục hồi mạnh mẽ với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát khó đạt được vì xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu thế giới đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất trong nước. Không những thế, rủi ro lạm phát gia tăng còn đến từ tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP ở mức rất cao trong khi tăng trưởng kinh tế thấp. Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi cũng làm gia tăng sức ép lạm phát từ phía cầu.
Phóng viên: Vậy Nhóm nghiên cứu khuyến nghị gì để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành: Chúng tôi cho rằng, chính sách tài khóa phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Trong bối cảnh hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung ít có tác dụng trong khi lại dẫn đến rủi ro lạm phát và bất ổn vĩ mô. Chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Những khó khăn nền kinh tế phải đối mặt sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 đặt ra những yêu cầu lớn cho việc hướng dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản.
Đối với thị trường chứng khoán, cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ phát triển thị trường vững chắc, bảo đảm là kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính để kịp thời phát hiện các rủi ro phát sinh trên thị trường và có chế tài xử lý nghiêm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
- TS Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
- Chậm tiêu tiền công và chuyện dám nghĩ, dám làm
- Đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch phải vượt lên trên lợi ích cục bộ địa phương
- Chống tham nhũng: Nhớ vụ án hối lộ 1 ngày nghỉ mát, 2 con gà
- “500 tấn vàng” trong dân cần khuyến khích đưa vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
- Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
- Lao động trẻ, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, lương tới 20 triệu