Không để chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài

Thứ ba, ngày 27 tháng 2 năm 2024 | 16:33

Tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi của Hà Nội trong năm 2023 thấp nhất từ trước đến nay, nhưng số tiền khó thu hồi còn cao.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có phương án giải quyết, không để tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài từ năm này sang năm khác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

bhxh.jpg

Nhiệm vụ thanh tra, xử lý vi phạm về chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện trong năm 2024.

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm hết năm 2023, toàn thành phố còn hơn 53.000 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội của gần 640.000 lao động với tổng số tiền chậm đóng là 4.260 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là gần 1.538 tỷ đồng, bằng 2,3% tổng số tiền cần thu, thấp nhất từ trước đến nay.

Tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội giảm dần là tín hiệu tích cực. Tuy vậy, việc thu hồi số tiền chậm đóng, nợ đọng, trốn đóng trên địa bàn Hà Nội vẫn là vấn đề nan giải khi còn gần 15.500 đơn vị có tên trên danh sách nợ đã phá sản, giải thể, dừng sản xuất, kinh doanh hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích. Tổng số tiền chậm đóng của các đơn vị này lên tới hơn 1.765 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thân của hàng vạn người lao động.

Thực tế ghi nhận không ít trường hợp người lao động bị “treo” sổ bảo hiểm xã hội, tạm “khóa” thẻ bảo hiểm y tế, không được hưởng những quyền lợi chính đáng do doanh nghiệp nợ kéo dài, không còn người chịu trách nhiệm...

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp có tên trong danh sách vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội không được vinh danh, khen thưởng, xét tham gia đấu thầu, đầu tư các dự án mới của thành phố. Ngoài ra, ngành phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan thuế xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp để đưa vào theo dõi, quản lý theo quy định.

Căn cứ vào nhiều yếu tố, đến nay, Bảo hiểm xã hội thành phố đã chuyển hồ sơ của 7 đơn vị nợ đọng với số tiền lớn sang cơ quan điều tra; đồng thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiến nghị Công an thành phố khởi tố hình sự 22 vụ. Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị nào chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội bị khởi tố để có thể tăng sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc từ các quy định của pháp luật hiện hành, khiến các cơ quan chức năng thiếu căn cứ xử lý. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, các tổ chức, cá nhân trốn đóng bảo hiểm xã hội là tội phạm. Thế nhưng, để xử lý các vụ án liên quan đến tội danh trốn đóng, phải có yếu tố cấu thành bắt buộc là hành vi “trốn đóng”, chứ không phải là hành vi “chậm đóng”.

Trong khi đó, hiện nay, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc Thanh tra thành phố cung cấp cho cơ quan công an chỉ có hành vi “chậm đóng”, nên thiếu căn cứ xử lý. Ngoài ra, việc xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mới được áp dụng từ ngày 1-1-2018, nên thiếu căn cứ xử lý hành vi này vào thời điểm trước đó.

Để có hành lang pháp lý đủ mạnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, ngành đã kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm về “chậm đóng”, “trốn đóng” sao cho thống nhất giữa các quy định của pháp luật. Trước mắt, Bảo hiểm xã hội thành phố kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đề nghị Công an thành phố xử lý điểm một số đơn vị vi phạm nghiêm trọng để tạo sức răn đe.

Đồng thuận với giải pháp nêu trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Hà Đông Lê Thành Long cho hay, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội do 2 nguyên nhân chính. Đó là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật hiện hành, cố tình chậm đóng kéo dài, thậm chí không chấp hành các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra từ cơ quan chức năng. Vì thế, đã đến lúc cần giải pháp “mạnh tay” để giảm tình trạng vi phạm về đóng, nộp bảo hiểm xã hội.

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, hướng xử lý ra sao, thì đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người lao động. Hy vọng, các cơ quan chức năng sớm có phương án giải quyết, không để tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, mà chưa có ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.